Trung ương ban hành nghị quyết mới về tam nông và kinh tế tập thể. Đánh thức tiềm năng thủy sản 6.695 hồ chứa nước. Giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều 600 triệu USD. Giá tiêu trong nước giảm thêm 500 - 1.000 đ/kg.
TRUNG ƯƠNG BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT MỚI VỀ TAM NÔNG VÀ KINH TẾ TẬP THỂ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn mới. Cụ thể, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân nông thôn phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%, tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020…
Tổng Bí thư Đối với kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.
ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG THỦY SẢN Ở 6.695 HỒ CHỨA NƯỚC
Việt Nam hiện có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh, trong đó gần 500 hồ thủy điện với 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt.
Theo Tổng cục Thủy sản tận dụng tiềm năng mặt nước, những năm qua, nghề nuôi cá hồ chứa tiếp tục phát triển từ việc nuôi các loài cá truyền thống như: Mè, trôi, chép, rô phi, trắm cỏ, bỗng tượng… và mở rộng ra các loài có giá trị kinh tế như: Cá tầm, lăng, chiên, nheo mỹ, lóc, thát lát, bỗng tượng...
Đặc biệt những năm gần đây, cá tầm được nuôi nhiều ở khu vực nước mát có nhiệt độ từ 18 - 27 độ C chủ yếu tại Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản Trần Đình Luân, các hồ chứa ở Việt Nam hiện nay ưu tiên phục vụ các mục đích thủy điện, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt… chưa chú trọng phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Nuôi thủy sản hiện mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ tiềm năng mặt nước. Vì vậy, ngành thủy sản sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển nuôi hiệu quả các loài thủy sản có giá trị kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa.
GIẢM CHỈ TIÊU XUẤT KHẨU ĐIỀU 600 TRIỆU USD SO VỚI KẾ HOẠCH
Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhân điều đạt hơn 206 nghìn tấn, trị giá trên 1,19 tỷ USD. Như vậy, hạt điều đã vào danh sách những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô la trong 5 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nhân điều giảm cả về lượng và trị giá, với mức giảm lần lượt là 7,81% và 6,81%.
Nguyên nhân là năm 2021, do tác động bởi dịch bệnh covid-19, các nhà nhập khẩu nhân điều sợ Việt Nam đứt gãy sản xuất, nên tăng nhập khẩu, với mức tăng tới 18% về lượng. Do nhập khẩu mạnh trong năm 2021, nên lượng nhân điều tồn kho ở các thị trường nhập khẩu vẫn còn.
Chính vì vậy, sau khi bàn bạc và cân nhắc, Vinacas đã đề nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu nhân điều trong năm nay xuống còn 3,2 tỷ USD, giảm 600 triệu USD so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm và giảm 400 triệu USD so với năm 2021.
Cụ thể, giá hồ tiêu hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đang thu mua ở mức 71.500 đ/kg; giảm 500 đồng so với hôm qua;
Giá tiêu Gia Lai hôm nay 26/6 cũng giảm nhẹ 500 đồng, giao dịch ở mức 70.000 đ/kg;
Giá tiêu tại Đồng Nai hôm nay giảm tới 1.000 đồng, thu mua ở mức 69.500 đ/kg.
Tính chung tuần này, giá tiêu tại thị trường trong nước đang giảm 500 đ/kg tại Đắk Lắk, Đắk Nông; giảm 1.000 đồng/kg ở Gia Lai; tại Đồng Nai và Bình Phước giảm 1.500 đồng/kg; và Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh tới 2.000 đồng/kg.