Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, bà con nuôi tôm tuyệt đối không vứt thủy sản bị bệnh ra môi trường.
Tuyệt đối không thải loại thủy sản bệnh ra môi trường
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, bà con nuôi tôm tuyệt đối không vứt thủy sản bị bệnh ra môi trường. Như thế sẽ góp phần xử lý môi trường chung, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 32.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, diện tích nuôi tôm gần 8.000ha. Tôm là đối tượng nuôi chủ lực trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh, trước tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp, dễ nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh, để phòng chống dịch cũng như giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, các hộ nuôi cần có quy trình nuôi phù hợp để tôm phát triển khỏe mạnh.
PV anh Vũ Đức Tuấn: Khi vào mùa nắng nóng, rất nhiều loại dịch bệnh thường xảy ra với các ao nuôi. Ví dụ như bệnh gan, đường ruột, phân trắng... Gia đình chúng tôi đã chủ động lấy nước đầu vào, sử dụng hệ thống lọc nước, thứ hai, nâng mực nước trong ao, chủ động giảm mật độ nuôi, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, đầu tư hệ thống mái che, lưới mát để nhiệt độ ao không bị tăng cao. Với loại bệnh không thể cứu chữa, chúng tôi thông báo với Chi cục Chăn nuôi thú y, chủ động thu hoạch tôm sớm để giảm thiệt hại.
Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh thường xuyên lấy mẫu giám sát chủ động, đặc biệt là trên tôm nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện các biện pháp để đảm bảo môi trường nuôi được tốt nhất.
PV ông Vương Văn Oanh: Trước tình hình biến đổi khí hậu, bà con nuôi con giống được kiểm dịch, xử lý nguồn nước đầu vào theo đúng quy trình, tuyệt đối không vứt thủy sản bị bệnh ra môi trường. Các ao có dịch phải chốt nước và xử lý bằng thuốc. Như thế sẽ góp phần xử lý môi trường chung, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Để phát triển nuôi tôm bền vững, chính quyền cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải chủ động giám sát dịch bệnh ở các cơ sở nuôi; giám sát chặt chẽ thời tiết, khi có dấu hiệu bất thường cần cảnh báo các cơ sở nuôi. Khi phát sinh dịch bệnh, người nuôi cần chủ động thông báo đến các cơ quan chuyên môn nhằm phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề xuất giải pháp phù hợp.