Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 32.000ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó riêng nuôi biển chiếm 68%. Đặc biệt, bờ biển của tỉnh dài 250km, diện tích mặt biển hơn 6.000km² có thể nuôi nhiều giống hải sản có giá trị kinh tế cao... Đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 32.000ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó riêng nuôi biển chiếm 68%. Đặc biệt, bờ biển của tỉnh dài 250km, diện tích mặt biển hơn 6.000km² có thể nuôi nhiều giống hải sản có giá trị kinh tế cao... Đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đến yếu tố môi trường trong nuôi biển để phát triển một cách bền vững.
Nhiều năm trước, người dân có thói quen sử dụng phao xốp để làm lồng bè trong nuôi trồng thủy sản. Mặc dù phao xốp là vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ 2-3 năm. Đồng thời, do nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão, người nuôi bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương thay đổi toàn bộ phao xốp sang các loại vật liệu thân thiện với môi trường và đã được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 31 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 10 triệu quả phao xốp. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp, HTX, người dân sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường như nhựa HDPE, composite. Đặc biệt, để phát triển nuôi biển bền vững, giảm phát thải, việc xây dựng mô hình, farm nuôi tuân thủ theo các quy định về môi trường cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Quy chuẩn địa phương về cơ sở nuôi trồng tập trung trên biển với 6 nhóm quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, tỉnh đang trong quá trình hình thành quy mô sản xuất lớn, theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung theo vùng, theo hướng liên kết, đồng bộ hạ tầng nuôi biển, hình thành các chuỗi từ giống đến nuôi, chế biến, xuất nhập khẩu…
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh hướng đến việc “nuôi biển xanh vì tương lai”. Theo đó, nuôi biển Quảng Ninh đặt mục tiêu hiện đại hóa, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh, vừa phát triển nuôi biển đa giá trị, kết hợp du lịch, trải nghiệm, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo. Tỉnh cũng đã nhanh chóng hoàn thành Quy hoạch nuôi biển với diện tích 45.000ha, tiến tới giao mặt nước cho các HTX, doanh nghiệp và người dân. Đến nay, đã có trên 100 HTX nuôi biển đã được thành lập, hướng đến mục tiêu chung phát triển nuôi biển xanh, bền vững.