Úc đề xuất Việt Nam phê duyệt cơ sở chiếu xạ cho nông sản. Dừa Bến Tre trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khởi sắc nhờ ‘tín hiệu mừng’ từ Trung Quốc. Người trồng kiệu ở Quảng Ngãi thất thu vụ Tết.
Úc đề xuất Việt Nam phê duyệt cơ sở chiếu xạ cho nông sản
Thảo Phương sx
Sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Tony Harman, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Úc. Tại buổi làm việc, ông Tony Harman cho biết, Việt Nam là đối tác lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp của Úc. Việc mở cửa nông sản giữa hai nước có nhiều tín hiệu tốt, trong 1 vài ngày tới phía Úc sẽ vận chuyển sang Việt Nam cơ sở chiếu xạ và mong được phía Việt Nam phê duyệt cơ sở chiếu xạtoàn pháp, dùng để chiếu xạ các sản phẩm tươi của Việt Nam sang Úc bao gồm cả xoài, thăng long, quả vải..
Bên cạnh đó, phía Úc dự kiến trao tặng kính hiển vi điện tử cho Việt Nam để nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh của tuyến trùng. Đồng thời Úc sẽ cử hai tiến sĩ qua Việt Nam để đào tạo hướng dẫn sử dụng.
Đáp lại đề xuất của ngài tham tán, Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ sự đồng tình, đánh giá cao sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt các dự án khoa học kĩ thuật giữa hai nước trong thời gian qua. Thứ trưởng nhận định rằng, cả hai bên sẽ phối hợp hoàn thiện khâu kĩ thuật để đảm bảo rằng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để xử lý các loại trái cây xuất khẩu sang Úc.
Dừa Bến Tre trở thành cây công nghiệp chủ lực Quốc gia
Minh Phúc khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt trở thành cây công nghiệp chủ lực Quốc gia. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần mang lại vị thế, tầm vóc, ngành dừa Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng. Đặc biệt, ngành dừa tại Bến Tre sẽ được tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển cấp Quốc gia. Các hoạt động kinh tế-xã hội, văn hóa, dịch vụ liên quan đến dừa như du lịch, sản xuất sản phẩm OCOP, nuôi trồng xen, chế biến…có nhiều cơ hội phát triển.
Theo ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, cây dừa được ví như cây “hồn cốt” của người dân nơi đây, với diện tích lớn nhất cả nước là hơn 78.000ha, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 300 triệu USD/năm và hơn 70% người dân có kinh tế liên quan đến cây dừa.
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi khởi sắc nhờ ‘tín hiệu mừng’ từ Trung Quốc
Minh Phúc khai thác
Theo Cục Chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn trong năm 2023 ước đạt gần 63,3 triệu USD (tương ứng 12,3 nghìn tấn), tăng 28% so với năm 2022. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Papua New Guinea, Lào, Malaysia.
Xuất khẩu sữa tươi năm 2023 cũng tăng cao gấp 1,7 lần so với năm 2022, đạt 204 triệu USD. Đặc biệt, xuất khẩu sữa tươi tăng vọt vào thị trường Trung Quốc từ con số 48 triệu USD năm 2022, đã đạt kim ngạch 123 triệu USD năm 2023.
Đối với tổ yến, ngày 16/11/2023, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đến nay đã có ít nhất 7 doanh nghiệp với hơn 700kg tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này...
Người trồng kiệu ở Quảng Ngãi thất thu vụ Tết
Lê Khánh sx
Những ngày này, người dân ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn, vùng trồng củ kiệu nổi tiếng nhất ở tỉnh Quảng Ngãi đang vào chính vụ thu hoạch để bán Tết. Vụ này, thời tiết ủng hộ nên cây kiệu ở đây phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, củ to đều và đạt năng suất cao.
Theo lãnh đạo xã Bình Long, năng suất kiệu trên địa bàn ước đạt khoảng 16 tấn/ha, cao hơn trung bình các năm. Tuy nhiên giá kiệu lại giảm mạnh. Nếu như cùng kì các năm trước, kiệu được thương lái thu mua tại ruộng từ 19.000 đồng đến 20.000 đồng/kg thì năm nay chỉ còn dao động từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ đủ bù tiền giống, phân bón, chưa tính công chăm sóc. Người nông dân đứng trước một vụ mùa thất thu. Nguyên nhân là do hiện nay, kiệu ở các nơi cũng đang vào vụ thu hoạch và đưa về thị trường Quảng Ngãi tiêu thụ dẫn đến cạnh tranh về giá cả.