Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa tại ĐBSCL nằm trong đề án 'Sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL' của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Cánh đồng lúa hè thu 50ha của HTX nông nghiệp Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đang vào vụ thu hoạch. Đây là mô hình thí điểm triển khai phương pháp sạ cụm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang hỗ trợ HTX, tạo bước đệm để nông dân An Giang sẵn sàng khởi động Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Phát biểu Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG - Ấp Sơn Tân, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang: “Cái thứ nhất mình tiết kiệm được giống….. cái thứ hai do sạ vừa phải, thưa nên tiết kiệm được phân bón, thuốc BVTV và hạn chế ô nhiễm môi trường”
Thực hiện chủ trương của Bộ NN-PTNT về việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất tại ĐBSCL, trong năm 2023 các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An phối hợp Công ty TNHH TM–DV Sài Gòn Kim Hồng xây dựng “mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL giai đoạn 2022-2024” với quy mô 200ha. Mô hình ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong sản xuất lúa, nhất là khâu gieo sạ lúa bằng máy sạ cụm với lượng giống từ 40-60kg/ha, năng suất lúa bình quân đạt trên 6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 23 triệu đồng/ha.
Phát biểu Bà ĐÀO THỊ NHƯ HÈ – Giám đốc Công ty TNHH TM –DV Sài Gòn Kim Hồng: “Mô hình triển khai máy sạ cụm cho Hợp tác xã Vọng Đông, Hợp tác xã được hỗ trợ từu nguồn vốn nhà nước, qua nhận xét của người dân mô hình này rất thành công giảm đi rất là nhiều chi phí”
Phát biểu Anh PHAN THÀNH TÂM – Trưởng phòng kỹ thuật nghiệp vụ Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang: “Mô hình này giúp người dân liên kết được với doanh nghiêp tạo vùng nguyên liệu, cái thứ hai ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất giúp giảm lượng giống từ 120kg/ha xuống còn 60kg/ha”
Việc xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL giai đoạn 2022-2024 sẽ tạo được vùng nguyên liệu sản xuất lúa, gạo đạt chất lượng cao, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, giảm phát thải theo mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đề ra.
Ngoài ra, các HTX tham gia mô hình sẽ được nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định, bền vững. Từ đó, hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng lúa sẽ gia tăng.