Sản phẩm OCOP đặc trưng ghi dấu ấn tại triển lãm sắc màu văn hoá. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển bền vững ngành tôm. Bình Định: Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, sạt lở. Đảm bảo đủ cà phê xuất khẩu dù sản lượng giảm.
SẢN PHẨM OCOP ĐẶC TRƯNG GHI DẤU ẤN TẠI TRIỂN LÃM SẮC MÀU VĂN HOÁ
(Ngọc Linh – Việt Khánh thực hiện)
Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Nghệ An, kéo dài từ ngày 22/11 đến 25/11.
Trong khuôn khổ triển lãm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức “Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”, mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống trong phát triển du lịch.
Không gian trưng bày lần này thu hút hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp, Hợp tác xã trên phạm vi cả nước tham gia, riêng tỉnh Nghệ An có 4 cái tên góp mặt là Công ty Cổ phần Thực phẩm Tứ Phương, Công ty Cổ phần Thủy sản Nghệ An, Hợp tác xã Đồng Tâm và Hợp tác xã Cam chè Bãi Phủ.
Tin 2
ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH TÔM
Minh Đảm
Ngày 25/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội nghị ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả.
Theo Cục Thủy sản tính đến tháng 11/2024, tại ĐBSCL tổng diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 730 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm 2023. Sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 795,8 nghìn tấn, đạt khoảng 105% so với năm ngoái.
Dự báo thời gian tới, ngành tôm tiếp tục gặp khó khăn do thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường, chi phí thức ăn, chất lượng tôm giống; ảnh hưởng rất lớn đến phát triển ngành tôm.
Tuy nhiên, từ quý III/2024 đến quý I/2025, ngành tôm nước ta có nhiều yếu tố thuận lợi như nhu cầu tôm trên thị trường thế giới tiếp tục tăng do nhiều yếu tố thuận lợi như Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm của Ecuador, Mỹ xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường áp thuế trợ cấp tôm nước ấm Việt Nam thấp nhất.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để phát triển bền vững ngành tôm ở ĐBSCL cần phát triển hệ thống tôm giống chất lượng cao; phát triển công nghệ nuôi; xây dựng vùng nuôi tập trung; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi; phát triển HTX và liên kết tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất; tận dụng các lợi thế của các hiệp định thương mại như EVFTA, FTA; xây dựng và triển khai chương trình truyền thông, phát triển thương hiệu cho sản phẩm quốc gia, vùng miền, địa phương.
Tin 3
BÌNH ĐỊNH: MƯA LỚN KHIẾN NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG GIAO THÔNG BỊ NGẬP, SẠT LỞ
Thực hiện: Vũ Đình Thung
PTV:
Từ đêm ngày 23 đến ngày 24 tháng 11, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã gây ngập úng và làm sạt lở nhiều tuyến đường, đặc biệt là tại các huyện miền núi của tỉnh. Bình Định cũng đã yêu cầu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Định và các địa phương liên quan thực hiện vận hành điều tiết nước qua tràn xả lũ đối với các hồ chứa Định Bình, Đồng Mít… để bảo đảm an toàn hồ đập và chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ.
Vào phim:
Hiện nay, khu vực tỉnh Bình Định đang có mưa lớn, lượng mưa trong 24 giờ qua đạt gần 200 mm, gây ngập cục bộ nhiều địa phương trong tỉnh. Tại huyện An Lão, mưa lớn đã gây 13 điểm ngập nước, với chiều dài khoảng 520 m; khu vực km 20+500 trên tuyến đường ĐT 629 tại thôn Trà Cong, cùng một số ngầm tràn đi qua các sông, suối trên địa bàn các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn... bị ngập cục bộ, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, chiều ngày 23 tháng 11, mưa lớn kéo dài đã làm 2 mái ta-luy dài khoảng 30 m của tuyến đường từ thôn 4, xã An Hưng (huyện An Lão) đi xã Hoài Sơn (thị xã Hoài Nhơn) bị sạt lở, khiến người và phương tiện không qua lại được. Để ứng phó với diễn biến mưa lũ, tỉnh Bình Định đã đề nghị Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Định và các địa phương liên quan thực hiện vận hành điều tiết nước qua tràn với lưu lượng tăng dần đều, căn cứ tình hình mưa và nước đến, điều tiết không vượt quá 600 m3/s. Thời gian bắt đầu từ 10 giờ ngày 24 tháng 11. Hiện các địa phương đang chủ động khắc phục các vị trí sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.
Tin 4
ĐẢM BẢO ĐỦ CÀ PHÊ XUẤT KHẨU DÙ SẢN LƯỢNG GIẢM
Quỳnh Anh khai thác
Tại Việt Nam, thị trường cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn cung. Bên cạnh lo ngại về hiện tượng La Nina có thể xuất hiện vào cuối năm ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, lượng cà phê sẵn có tại thời điểm bước vào vụ thu hoạch chính 2024 cũng ở mức thấp. Tình trạng nguồn cung thấp còn được phản ánh qua số liệu xuất khẩu của Tổng cục Hải quan. Theo đó, lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11 chỉ đạt 20.933 tấn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 3% so với 15 ngày đầu tháng 10/2024. Điều này trái ngược với quy luật thông thường khi khối lượng xuất khẩu tháng 11 thường tăng dần do nông dân bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ.
Hiệp Hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam khẳng định, dù sản lượng giảm, Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung xuất khẩu và chuỗi cung ứng không bị gián đoạn. Nhờ giá cà phê duy trì ở mức cao trong niên vụ 2024-2025, kim ngạch xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng.
Trên thị trường, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (25/11) ghi nhận ở mức 114.400 - 115.100 đồng/kg, giảm nhẹ 100 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái khi giá chỉ dao động trong khoảng 57.100 - 57.800 đồng/kg, giá cà phê hiện đã tăng gấp đôi.