Để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, người nuôi tôm phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, yếu tố môi trường nước.
Vì sao nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh khó kiểm soát dịch bệnh?
Thưa quý vị và bà con, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 xác định con tôm là đối tượng nuôi chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển.
Tuy nhiên, do kỹ thuật nuôi khắt khe, chi phí đầu tư nuôi tôm thâm canh lớn nên nhiều hộ dân lựa chọn nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh và quảng canh cải tiến nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư. Vấn đề đặt ra là hình thức nuôi này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường nuôi các loài hải sản khác trong khu vực nuôi trồng, đặc biệt, gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Bệnh đốm trắng do vi rút, hoại tử gan tụy và bào tử vi trùng (hay còn gọi là bệnh chậm lớn) là những dịch bệnh chính thường gây hại trên diện tích tôm thẻ chân trắng và tôm sú của người nuôi trồng ở tỉnh Hà Tĩnh. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này, diện tích bị dịch hàng năm bình quân chiếm từ 2 – 4,5% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh. Dịch bệnh thường xảy ra nhiều hơn ở hình thức nuôi bán thâm canh, quảng canh và quảng canh cải tiến; tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Thạch Hà…
Ghi nhận tại vùng nuôi tôm bán thâm canh xã Lạch Long, Thạch Sơn, huyện Thạch Hà cho thấy, hầu hết các hộ nuôi trồng đều nhận thức được việc nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh, quảng canh, trong ao còn lẫn cả tôm tự nhiên, cua, còng… sẽ dễ xảy ra dịch bệnh. Thậm chí khi tôm nhiễm bệnh khó phát hiện để đưa ra giải pháp phòng trừ kịp thời, tuy nhiên, do điều kiện đầu tư hạn chế nên người dân vẫn nhắm mắt thả nuôi kiểu ăn may.
Phỏng vấn ông Trần Văn Khánh, thôn Tri Khê, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
Mấy năm trước có mấy hồ đang mới đầu tư nuôi có mấy hồ nuôi đang thắng lợi, mấy năm ni ao hồ xuống cấp, nuôi quảng canh cải tiến, rủi ro cao, mình không kiểm soát được dịch bệnh, vi khuẩn không kiểm soát được, bệnh hay bị, nên nuôi năm được năm mất.
Nếu nuôi tôm thâm canh đầu tư bài bản từ hồ nuôi đến hồ lắng, xử lý nước đầu vào, đầu ra đảm bảo vệ sinh môi trường; con giống có nguồn gốc xuất xứ… thì nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh hầu như thả giống rất ít, thậm chí có khi 1 ha ao hồ, người dân chỉ thả 1 – 2 vạn giống. Tính ra, bà con thả mật độ khoảng 1 con/m2, chưa kể hao hụt. Với mật độ như thế khi tôm bị bệnh đến cơ quan chuyên môn cũng khó phát hiện chứ đừng nói người dân.
Hơn nữa, môi trường nước từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch gần như không được xử lý nên sức đề kháng của tôm rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh và phát triển của tôm.
Xét về nguyên nhân, sở dĩ nuôi tôm bán thâm canh, quảng canh thường bị bệnh, trước hết là thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng xen lẫn các đợt gió mùa, hay mưa lớn kéo dài nhiệt độ nước trong ao thay đổi đột ngột. Thậm chí giai đoạn chuyển mùa nhiệt độ ngày - đêm có những thời điểm chênh lệch 13,14 độ C, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây hại.
Về chủ quan, hầu hết các cơ sở đầu tư hạ tầng không đảm bảo; hệ thống cấp thoát nước chung nhau nên khi dịch bệnh xảy ra khó kiểm soát, thực hiện các giải pháp phòng trừ.
Phỏng vấn Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh
Con tôm được Hà Tĩnh xác định là đối tượng nuôi chủ lực đến năm 2030, trên tinh thần đó tỉnh chỉ đạo các ngành và các địa phương tận dụng lợi thế của Hà Tĩnh để phát triển con tôm nuôi trong đó đặc biệt chỉ đạo đến an toàn dịch bệnh bệnh trong nuôi tôm. Từ đó UBND tỉnh xây dựng, chỉ thị về phòng chống dịch bệnh trên tôm, ban hành kế hoạch của tỉnh, trên cơ sở đó các ngành, địa phương bám kế hoạch tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai kế hoạch phòng chống dịch trên tôm. Trong những năm vừa rồi dịch bệnh trên tôm ở Hà Tĩnh cơ bản được kiểm soát tương đối tốt so với đánh giá của Trung ương, Bộ NN.
Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn Hà Tĩnh, để giảm thiểu thiệt hại do dich bệnh gây ra, người nuôi trồng phải chủ động thực hiện đầy đủ kịp thời các biện pháp phòng bệnh tổng hợp theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, Chi cục thủy sản. Trước hết cơ sở hạ tầng phải đảm bảo, nhất là hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, xử lý nước đảm bảo trước khi đưa vào ao nuôi. Chấp hành quy trình nuôi, quy định về phòng chống dịch, trong đó, lưu ý việc làm tốt vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực nuôi; lựa chọn con giống ở các cơ sở có uy tín, nên trực tiếp đến cơ sở kiểm tra lô giống. Đối với con giống có nguồn gốc ngoại tỉnh phải có hồ sơ kiểm dịch; giống trong tỉnh phải có kết quả xét nghiệm mẫu tôm giống âm tính với các bệnh nguy hiểm.
Khuyến cáo các hợp tác xã, hộ dân tập hợp lấy chung 1 nguồn giống, có ký kết hợp đồng để gắn trách nhiệm và thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát dịch bệnh, giải quyết quyền lợi khi có sự cố xảy ra. Quá trình nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, yếu tố môi trường nước để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời. Định kỳ dùng chế phẩm sinh học, xi phong đáy ao để loại bỏ chất thải ao nuôi.
Đặc biệt, việc sử dụng thuốc điều trị cho tôm phải nằm trong danh mục được phép lưu hành, không tùy tiện lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh tránh nhờn thuốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.239 ha nuôi tôm; trong đó, nuôi thâm canh, công nghiệp 629 ha; nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến lên đến 1.610 ha, chiếm 70% tổng diện tích nuôi tôm.
Năm 2022, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 5.600 tấn, tăng 6,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, tiếp tục có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư hạ tầng, các dự án nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi công nghệ cao trên cát nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh. Bình quân, năng suất đầu tư thâm canh đạt từ 8 - 10 tấn/ha/vụ trong ao đất và 15 - 20 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát. Trong điều kiện tự nhiên có nhiều khó khăn như hiện nay, các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định được sự đúng đắn trong xu thế phát triển của nghề nuôi trồng thủy sản nhất là nghề nuôi tôm nước lợ.