Việt Nam - Scotland thúc đẩy thị trường xuất khẩu song phương. Gần chục ha rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá. Bệnh khảm lá sắn gây suy giảm sản lượng nghiêm trọng. Hiệu quả kinh tế vượt trội nhờ tự động hóa trong nuôi gà đẻ.
Việt Nam - Scotland thúc đẩy thị trường xuất khẩu song phương
Phạm Huy - Quỳnh Chi sản xuất
Sáng 4/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ngài A-lít-tơ Zdách, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vùng Scotland. Chuyến thăm của đoàn Scotland khẳng định tình hữu nghị giữa 2 nước ngày càng trở nên khăng khít, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam - Vương quốc Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Những năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh là ‘cú huých’ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 2 nước. Dựa trên những thành tựu đạt được, hai nhà lãnh đạo đàm phán về khả năng tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu cà phê, thủy sản, thịt lợn, gà chế biến.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vùng Scotland đề cao cam kết của chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính. Thời gian tới, hai bên sẽ tích cực hợp tác trong khuôn khổ Quỹ đa dạng sinh học ký kết giữa hai Bộ trưởng Nông nghiệp vào tháng 4 vừa qua.
GẦN CHỤC HA RỪNG THÔNG Ở TÂY NGUYÊN BỊ TÀN PHÁ
Kiên Trung - Sản xuất
Gần 10ha rừng thông Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) bị chết đứng, chặt hạ ngổn ngang ở bìa rừng. Những thân cây đường kính trên nửa mét, bị cưa thành từng đoạn dài 6m. Bãi tập kết gỗ thông lên tới hàng chục m3, kéo dài cả trăm mét.
Cách thức dùng khoan khoan sâu vào thân cây, sau đó tiêm hóa chất để đầu độc, giết hại cây… vẫn được lâm tặc sử dụng để sát hại những cánh rừng thông tại đây. Nhưng, một thủ đoạn man rợ hơn, để “truy sát” cây rừng, lâm tặc dùng rìu phạt sâu tới 2/3 thân cây sau đó khoan những lỗ thủng, bơm hóa chất và hun lửa, đợi cây “chết đứng” rồi mới dùng cưa máy ra đốn hạ.
Theo ông Đinh Hữu Đạo, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, hiện trạng rừng bị phá tại Đạ Sar là một vụ việc lớn, xảy ra từ mấy năm trước. Công an huyện Lạc Dương đã khởi tố vụ án và đang điều tra, xác minh nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm ra hung thủ. Diện tích rừng bị phá lên tới gần 10ha, và kẻ phá rừng cũng không nhằm mục tiêu lấy gỗ.
BỆNH KHẢM LÁ SẮN GÂY SUY GIẢM SẢN LƯỢNG NGHIÊM TRỌNG
Trần Trung – sản xuất
Ngày 4/10, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp Trung tâm nhiệt đới quốc tế (CIAT) tổ chức hội thảo đánh giá tổng kết dự án nghiên cứu “Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh hại sắn khu vực Đông Nam Á”. Dựa trên các phương diện gồm nhân giống, kiểm soát sâu bệnh hại, các giải pháp nông học, các biện pháp xử lý giống và sự tham gia của các tổ chức chính phủ cùng các doanh nghiệp nông nghiệp. Các cuộc khảo nghiệm thực địa tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện tại Tây Ninh và đã đạt được những kết quả khả quan. Đến nay, có 6 giống sắn kháng bệnh khảm lá được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành, tại vùng Đông Nam Bộ.
Theo các chuyên gia, tính đến cuối năm 2021, bệnh khảm lá sắn làm sụt giảm khoảng 15% sản lượng sắn tươi, tương đương khoảng 1,5 triệu tấn, khoảng 2.500 tỷ đồng.
HIỆU QUẢ KINH TẾ VƯỢT TRỘI NHỜ TỰ ĐỘNG HOÁ TRONG NUÔI GÀ ĐẺ
ĐinhMười - sản xuất
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã triển khai mô hình chăn nuôi gà sinh sản ứng dụng công nghệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và quản lý chăn nuôi tại Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ chăn nuôi Duy Nhất, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, quy mô 5.000 con gà sinh sản.
Khu chăn nuôi được lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống giám sát và điều khiển vi khí hậu tự động và hệ thống cho ăn, uống tự động. Tính trong 1 tháng, thu nhập bán trứng của đàn gà mô hình 5.000 con cao hơn so với đàn gà ngoài mô hình gần 42,7 triệu đồng, 1 năm chênh lệch hơn 513 triệu đồng. Khi tham gia mô hình, hộ chăn nuôi được
tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT đến khi thành thạo.