Để khắc phục những tồn tại theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), từng bước gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản, những năm qua, tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác hoàn thiện hạ tầng cảng cá, bến cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu, buôn bán thủy sản khai thác của ngư dân địa phương.
Chào mừng quý vị và bà con quay trở lại với Nongnghiep TV. Thưa quý vị và bà con!
Những năm qua, cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục những khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, từng bước gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản. Trong những giải pháp đó, tỉnh này cũng rất chú trọng đến công tác hoàn thiện hạ tầng cảng cá, bến cá, đáp ứng cho việc neo đậu, buôn bán thủy sản khai thác của ngư dân địa phương.
Cảng cá Tam Quang tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được công bố là cảng cá loại 2 vào năm 2022. Hiện nay, cảng cá này đang được quản lý bởi Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam. Với hạ tầng được đầu tư tương đối đầy đủ, cảng cá Tam Quang đã cơ bản đáp ứng công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Thời gian qua, với sự hướng dẫn của cán bộ, nhân viên trung tâm, các tàu cá sau khi vào cập cảng đều thực hiện theo đúng quy định của Luật Thủy sản.
Phỏng vấn Ngư dân Nguyễn Văn Quang, Xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam
10 năm trở lại đây, cảng Tam Quang rất thuận lợi. Chúng tôi đi biển mỗi năm từ 9-10 chuyến, vào đây cân cá rất thuận lợi. Trước khi vào, chúng tôi điện thoại cho Trung tâm rồi nộp nhật ký, khai báo sản lượng theo, đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà nước.
Cảng cá Tam Quang được quy hoạch là cảng cá loại 1. Tuy nhiên, hiện nay do một số vương mắc nên cảng cá này chưa đáp ứng đủ điều kiện để được công nhận. Bên cạnh đó, một số hạ tầng thiết yếu phục vụ cho công tác chuyên môn cũng chưa được đầu tư hoàn thiện. Từ thực tế này, thời gian qua, Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam đã có kiến nghị với UBND tỉnh này sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng thêm các công trình thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho công tác quản lý được tốt hơn.
Phỏng vấn Ông Phan Đình Châu, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá Quảng Nam
Cảng cá Tam Quang tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được công bố là cảng cá loại 2 vào năm 2022. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, chúng tôi đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tàu cập, rời cảng, sản lượng hàng hóa qua cảng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như chưa có nhà làm việc, hệ thống mái che, điện chiếu sáng tại cầu cảng, một số trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, lực lượng mỏng. Trên cơ sở đề xuất của Trung tâm, cơ quan cấp trên đã quan tâm, có chủ trương đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trung tâm cũng mong muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng để phục vụ công tác chuyên môn tại cảng được tốt hơn.
Tỉnh Quảng Nam có đến 125km bờ biển đi qua nhiều huyện, thành phố. Thế nhưng trong tỉnh chỉ có 1 cảng cá chỉ định là cảng Tam Quang nằm ở khu vực phía Nam. Ở Khu vực phía Bắc do không có cảng cá nào nên tàu thuyền của ngư dân phải ra cảng cá Thọ Quang, TP Đà Nẵng để đăng thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật thủy sản. Trước sự bất tiện này, nhiều ngư dân mong muốn tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng thêm cảng cá ở phía Bắc để tàu cá ra vào, lên cá, khai báo sản lượng được thuận lợi hơn.
Phỏng vấn Ngư dân Trần Đình Nam, Xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Ở đây không có cảng cá, nên tàu chúng tôi đi làm việc ở cảng cá xa quá, ra tới cảng cá Thọ Quang làm thủ tục đăng ký. Tôi cũng yêu cầu nhà nước có cảng cá tại Duy Xuyên gần đây để thuận tiện hơn, để bà con làm việc gần gũi chứ tàu ra vào tốn dầu.
Chưa có cảng cá lớn ở phía Bắc nên các tàu cá của ngư dân sau khi khai thác sẽ vào cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng hoặc các bên cá nhỏ để lên cá. Điều này dẫn đến sản lượng hải sản được giám sát ở tỉnh Quảng Nam còn tương đối thấp. Trung bình mỗi năm, sản lượng hải sản khai thác ở tỉnh này khoảng 100.000 tấn nhưng sản lượng giám sát tại cảng cá Tam Quang chỉ đạt khoảng 30%. Do đó, tỉnh Quảng Nam dự kiến đầu tư, nâng cấp khu neo đậu Hồng Triều tại huyện Duy Xuyên thành cảng cá loại 2 để nâng sản lượng hải sản được giám sát.
Phỏng vấn Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam
Quảng Nam hiện nay việc giám sát sản lượng lên cảng đang gặp một số khó khăn. Hiện chỉ có 1 cảng cá loại 2 tại Tam Quang, Núi Thành đã giải quyết được khoảng 30% sản lượng lên cảng ở huyện Núi Thành và một số địa phương lân cận ở khu vực phía Nam. Còn lại khu vực phía Bắc chưa có cảng cá để giám sát sản lượng này. Hiện nay, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã xây dựng cảng cá dự kiến trong năm đến thành cảng cá loại 2 để giám sát sản lượng ở cánh phía Bắc. Còn ở bãi ngang ven biển, một số bến cá, chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương để giám sát sản lượng lên cảng nhằm đảm bảo theo yêu cầu của EC.
Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã nhiều lần làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện các khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản. Trước những kiến nghị của tỉnh Quảng Nam, Bộ NN-PTNT đã quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí để tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng các công trình cảng cá, khu neo đậu để từng hước hoàn thiện hạ tầng nghề cá. Song song với đó, tỉnh này cũng quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, giúp ngành thủy sản địa phương phát triển bền vững.
Phỏng vấn Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Trong thời gian vừa qua, được sự chỉ đạo từ Trung ương cũng như của tỉnh ủy, Quảng Nam đã có sự phát triển hạ tầng cảng cá cũng như khu neo đậu tương đối tốt. Trung ương, Bộ NN-PTNT cũng quan tâm đầu tư cho Quảng Nam Khu neo đậu cảng cá An Hòa. Đây là cảng mang tầm khu vực. Trong thời gian tới, khi đầu tư khu neo đậu xong, chúng tôi sẽ có chương trình xúc tiến đầu tư các đơn vị, doanh nghiệp hậu cần nghề cá vào đầu tư để các khu neo đậu gắn với cảng cá tăng thêm giá trị và đặc biệt là quản lý tốt việc khai thác nghề cá ở tỉnh Quảng Nam.
- Quý vị và bà con thân mến!
Với sự quyết liệt của chính quyền tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định.
Tuy nhiên, từ những thực tế còn tồn tại, đặc biệt là những hạn chế về hạ tầng nghề cá, tỉnh Quảng Nam cần sớm có những giải pháp để hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác quản lý cũng như hoạt động khai thác của ngư dân. Từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.
Phóng sự của Báo Nông nghiệp Việt Nam xin được khép lại tại đây. Cảm ơn và hẹn gặp lại quý vị và bà con trong các chương trình sau.