| Hotline: 0983.970.780

Chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm

Thứ Năm 03/10/2024 , 09:49 (GMT+7)

Khai thác hải sản đúng quy định, ngư dân Quảng Nam đang từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 3.395 tàu các các loại. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 3.395 tàu các các loại. Ảnh: L.K.

Thay đổi nhận thức của ngư dân

Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam có tổng số 3.395 tàu cá, trong đó có 2.226 tàu cá đã được đăng ký và 1.169 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, tập trung chính các nghề lưới rê, lưới vây, câu, lưới kéo. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh này đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Trong số các giải pháp được thực hiện, tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức cho ngư dân. Nhờ vậy, các chủ tàu trong tỉnh dần nắm rõ, thực hiện đúng quy định trong hoạt động khai thác thủy sản; từng bước cùng cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Ông Phạm Văn Tuấn (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), thuyền trưởng tàu cá QNa 91069TS cho biết, thời gian qua, ngư dân địa phương được Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng thường xuyên phổ biến, tuyên truyền về các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp và những điều cần chú ý khi khai thác hải sản trên biển, trong đó đặc biệt là việc không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài.

“Do đó, mỗi lần vươn khơi, bên cạnh chuẩn bị kỹ thiết bị máy móc cùng ngư lưới cụ và nhu yếu phẩm thực phẩm, tôi còn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá. Nhờ vậy, thời gian qua, tàu cá tôi luôn chấp hành tốt không vi phạm vùng biển nước ngoài”, ngư dân Phạm Văn Tuấn nói.

Ngư dân Quảng Nam kiểm tra thiết bị VMS trước khi ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: L.K.

Ngư dân Quảng Nam kiểm tra thiết bị VMS trước khi ra khơi khai thác hải sản. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tàu cá của tỉnh vẫn tìm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt rất cao.

Ở một số thời điểm trong năm 2023 và 2024, tàu câu mực của các xã: Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải (huyện Núi Thành), Bình Minh (huyện Thăng Bình) mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức các buổi làm việc, mời người nhà các chủ tàu, thuyền trưởng các tàu nói trên để thông báo tình hình, phổ biến các quy định pháp luật, các chế tài xử lý vi phạm. Đồng thời, yêu cầu người nhà nhanh chóng kêu gọi, động viên các thuyền trưởng mở lại máy giám sát hành trình và đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam nếu đã sang vùng biển nước khác.

Trung tá Nguyễn Bá Tố, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, cho biết: “Những năm qua, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của chỉ huy các cấp trong việc tuyên truyền cho bà con ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Đơn vị phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành chức năng và nghiệp đoàn nghề cá trong công tác tuyên truyền ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo; trong công tác tuần tra, kiểm soát và đấu tranh, ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định để góp phần sớm gỡ 'thẻ vàng' của EC”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện nghiêm công tác xử lý những tàu cá có những hành vi vi phạm. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng của tỉnh đã cùng nhau phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển, xử lý trên 130 vụ vi phạm khai thác IUU; xử phạt vi phạm hành chính 75 vụ với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (55/75 vụ).

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản. Ảnh: L.K.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác hải sản. Ảnh: L.K.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, khẳng định, việc kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho ngư dân và xử phạt vi phạm nghiêm minh mà hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. Ngư dân từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững.

Theo ông Tích, nhằm đạt kết quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống khai thác IUU, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho Chi cục Thủy sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và quản lý cảng cá tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác hải sản, giám sát sản lượng hải sản lên cảng tại cảng cá Tam Quang; thực hiện nghiêm công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử.

“Tuyệt đối không để xảy ra vụ việc vi phạm 'hợp thức hóa hồ sơ' đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Chúng tôi cũng có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành thủy sản cấp huyện, UBND các xã, phường có bến cá tư nhân thực hiện kiểm soát chặt sản lượng hải sản lên bến và giám sát, thống kê theo hướng dẫn”, ông Tích nói.

Tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân. Ảnh: L.K.

Đại tá Phan Văn Thí, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho hay, hiện nay là cao điểm chống khai thác IUU, lực lượng biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng tăng tần suất tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá khai thác hải sản trên biển; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ 100% tàu cá xuất nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng tuyến biển.

Tàu cá được xuất bến phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định, riêng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có kết nối giám sát hành trình. Ngành biên phòng cam kết ngăn chặn hiệu quả tình trạng tàu cá vượt trạm kiểm soát biên phòng trái phép lâu nay.

Sắp tới đây, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu sẽ sang nước ta kiểm tra thực hiện các khuyến cáo về chống khai thác IUU, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là cao điểm để Quảng Nam tập trung các nguồn lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” IUU. Do đó, các lực lượng chức năng gồm biên phòng, công an, thủy sản, chính quyền địa phương, Vùng Cảnh sát biển 2, Chi đội Kiểm ngư số 3 cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để chống khai thác IUU.

“Ngành chức năng cần thực hiện nghiêm quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, tàu cá không có giấy phép khai thác hải sản. Các cơ quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá đang khai thác hải sản; giám sát sản lượng hải sản khi tàu cá lên cảng, bến cá; xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ đối với các hành vi khai thác IUU”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh.

Xem thêm
Khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai

Tối 19/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.