Địa chỉ tin cậy, hỗ trợ ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi
Hiện nay, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam có 90 cơ sở tại 18/28 tỉnh, thành phố có biển với 18.272 đoàn viên với trên 5.097 tàu cá.
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành NN-PTNT, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam, trong 10 năm hoạt động và sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 2728/QĐ-TLĐ, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin, giữ mối liên hệ với Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, các huyện có Nghiệp đoàn Nghề cá và với các Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở để tiếp nhận thông tin, kiến nghị, kịp thời phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền. Tham mưu đề xuất Bộ NN-PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ có chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên và ngư dân khai thác thủy sản trên biển.
Về tổ chức, cơ bản các Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở đều chịu sự quản lý, chỉ đạo hoạt động toàn diện của Liên đoàn Lao động quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh (82/90 Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở), 8 Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở do Công đoàn ngành NN-PTNT địa phương quản lý và chỉ đạo (Quảng Bình 3, Khánh Hòa 3, Tiền Giang 1, Thanh Hóa 1). Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn NN-PTNT và Liên đoàn Lao động cấp huyện tại các địa phương để chỉ đạo hoạt động về chuyên môn đối với các Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở.
Cán bộ Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở đều kiêm nhiệm trên tinh thần tự nguyện, được cơ cấu là chủ tàu, tổ trưởng tổ đánh bắt, đa số là ngư dân đánh bắt xa bờ, có uy tín. Thời gian hoạt động nghiệp đoàn hạn chế do đi biển dài ngày, việc tổ chức sinh hoạt cũng khó khăn do đoàn viên đi biển theo tàu, theo mùa vụ, chỉ ở nhà khi biển động.
Những đóng góp quan trọng
Các hoạt động của Công đoàn ngành và Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò tham gia quản lý nhà nước cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động và nâng cao phúc lợi cho đoàn viên nghiệp đoàn.
Để phối hợp chỉ đạo Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở hoạt động theo đúng nội dung quy định tại Quyết định số 2728/QĐ-TLĐ, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã tham mưu Công đoàn ngành thí điểm ký Chương trình phối hợp trong chỉ đạo hoạt động Nghiệp đoàn Nghề cá trên địa bàn với một số Liên đoàn Lao động tỉnh (Quảng Bình, Khánh Hòa) đồng thời đã gửi dự thảo Chương trình phối hợp đến 14 Liên đoàn lao động tỉnh/thành phố còn lại và dự kiến tổ chức ký kết trong thời gian tới. Đã ký chương trình phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp huyện (Vân Đồn) và dự thảo Chương trình phối hợp hoạt động giữa Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam với Liên đoàn Lao động cấp huyện về phối hợp chỉ đạo hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở, gửi lấy ý kiến và tổ chức ký kết…
Bên cạnh đó, Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam đã chủ động đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng Liên đoàn về "điều tra, đánh giá an toàn, vệ sinh lao động trên tàu cá" (đã được Tổng Liên đoàn phê duyệt) nhằm thúc đẩy hỗ trợ phát triển các Nghiệp đoàn Nghề cá cả nước tham gia khai thác hải sản có trách nhiệm, phát triển nghề cá bền vững, nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trên tàu cá.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những nỗ lực của Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần sớm gỡ thẻ vàng IUU và tham gia phát triển bền vững ngành Thủy sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghiệp đoàn Nghề cá nhìn nhận lại những hạn chế, yếu kém trong quá trình hoạt động nhằm rút ra bài bọc kinh nghiệm và tìm giải pháp khắc phục.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Diễn Bích (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cũng đề xuất một số kiến nghị về cấp kinh phí hoạt động cũng như xây dựng các quy chế, chương trình phối hợp cụ thể để hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá diễn ra hiệu quả hơn.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến và đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, trong thời gian tới, Công đoàn ngành và Nghiệp đoàn Nghề cá thực hiện tốt các nội dung, cụ thể:
Tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Tổng Liên đoàn "Về đẩy mạnh phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN-PTNT giai đoạn 2020-2030" cũng như Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động của Nghiệp đoàn Nghề cá các cấp; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng lấy việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu; lấy nghiệp đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu. Ngoài ra, tập trung chăm lo cho đoàn viên, người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nhân dịp này đã diễn ra lễ ký Chương trình phối hợp giữa Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam với Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư; Hội Thủy sản Việt Nam và Liên đoàn Lao động, Công đoàn ngành địa phương có Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở.
Thông qua kí kết, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cam kết sẽ cố gắng phát huy vai trò, thực hiện tốt các hoạt động trên tinh thần luôn lên tiếng và đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Ông Nguyễn Việt Thắng hy vọng trong tương lai, nước ta sẽ sớm thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá cấp cơ sở trên 28 tỉnh thành đều có Nghiệp đoàn nghề cá, thực hiện tốt vai trò chính trị và nghề nghiệp xã hội từ cấp trung ương đến địa phương.