Xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn gắn với hợp tác xã. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm chay thay thế đạm động vật ngày một tăng. ĐBSCL có trên 73.500ha đất lúa chuyển đổi trong năm 2022. Dừa rớt giá do mưa bão kéo dài.
XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI ĐẠT CHUẨN GẮN VỚI HỢP TÁC XÃ
Chiều 30/9, Viện Nghiên cứu Ngô và Tập đoàn De Heus Việt Nam có buổi làm việc nhằm chuẩn bị các công tác triển khai dự án xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn gắn liền với mô hình HTX tại khu vực Tây Nguyên.Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, Tập đoàn sẽ phối hợp với Tổ chức phát triển HTX Hà Lan Agriterra xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên cơ sở phát triển các HTX tại 3 tỉnh chính Đắc Lắk, Gia Lai, Kon Tum.Tập đoàn De Heus mong muốn cung chung tay cùng Bộ NN-PTNT triển khai dự án để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định nguồn cung nguyên liệu cho ngành chăn nuôi và thể hiện trách nhiệm với môi trường.Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô, trước nhu cầu cấp thiết về các giống ngô lấy sinh khối sử dụng làm thức ăn xanh cho gia súc, Viện Nghiên cứu Ngô đã đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo các giống ngô chất lượng cao.Hiện đơn vị đang có gần 100 giống ngô, trong đó 30 giống đang được phối hợp kinh doanh với các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.
XU HƯỚNG TIÊU DÙNG THỰC PHẨM CHAY THAY THẾ ĐẠM ĐỘNG VẬT NGÀY MỘT TĂNG
Ngày 30/9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức Hội thảo "Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sau đại dịch trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam nên thích ứng thế nào?".TS Nguyễn Đức Vượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, ngày nay xu hướng tiêu dùng về thực phẩm và đồ uống trên thế giới có nhiều thay đổi. Nhất là sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có ý thức và ưu tiên giá trị, ưu chuộng thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chay, thực phẩm thay thế đạm, thực phẩm tốt cho sức khoẻ, tốt cho sự sống… Đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực bị đứt gãy, thế giới đứng trước nguy cơ bị thiếu hụt lương thực, thực phẩm. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam nắm bắt xu hướng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đồng thời cần minh bạch, trách nhiệm để chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
ĐBSCL CÓ TRÊN 73.500HA ĐẤT LÚA CHUYỂN ĐỔI TRONG NĂM 2022
Trước áp lực chi phí sản xuất lúa tăng cao trong khi lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng, nhiều nông dân ở các địa phương khu vực ĐBSCL như: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên nền đất lúa. Trong đó, sầu riêng và mít Thái là những loại cây được bà con chọn trồng khá nhiều.Theo số liệu của Cục Trồng trọt, năm 2022, tổng diện tích đất sản xuất lúa ở khu vực Nam bộ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là hơn 78.000 ha. Trong đó, riêng khu vực ĐBSCL ước đạt 73.500 héc ta.Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, nhất là với cây ăn trái đã xảy ra những vấn đề tồn tại như một số diện tích trồng với nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu hoặc chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn trái dẫn đến chất lượng không cao.
DỪA RỚT GIÁ DO MƯA BÃO KÉO DÀI
Thời điểm này, trái dừa tươi giống Mã Lai tại Tiền Giang chỉ bán được từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/trái (giảm gần 50% so với tháng trước). Đối với trái dừa khô loại 1 chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/chục (12 quả). Mưa bão kéo dài, ở các vùng nông thôn, dừa tươi không có thương lái đến mua do khó thu hoạch, vận chuyển, nhiều vườn đã quá lứa không thể bán lấy nước khiến cho nhà vườn thất thu.Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 20.000 ha dừa thương phẩm, trong đó có khoảng 60% diện tích cây dừa lấy nước, chủ lực là dừa Xiêm và dừa Mã Lai.