Bình Định đang triển khai tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho trâu bò đợt 2 năm 2023. Tuy nhiên, do đã 'xóa' lực lượng thú y thôn nên ngành chức năng thiếu nhân lực. Vậy đâu là giải pháp?
‘Xóa’ thú y thôn, thiếu nhân lực tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh
Bình Định đang triển khai tiêm phòng vacxin lở mồm long móng cho trâu bò đợt 2 năm 2023. Tuy nhiên, do tỉnh này đã ‘xóa’ lực lượng thú y thôn nên ngành chức năng thiếu nhân lực. Vậy đâu là giải pháp?
Trước đây, giống như các địa phương trong tỉnh, thị xã An Nhơn đã xây dựng được mạng lưới thú y cấp thôn rộng khắp. Lực lượng này là những người trực tiếp gần gũi với các hộ chăn nuôi nên nắm bắt tình hình chăn nuôi, dịch bệnh rất sâu sát. Dù mức hỗ trợ cho thú y thôn chỉ 200.000đ/người/tháng, nhưng lực lượng này đã đóng góp không nhỏ trong việc tiêm phòng, khống chế dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Độ, cán bộ thú y xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định:
Thú y xã Nhơn Lộc tổ chức tiêm phòng 2 đợt vacxin lở mồm long móng cho trâu bò, nguồn vacxin này được Nhà nước hỗ trợ 100%, hộ chăn nuôi chỉ chi trả công tiêm phòng cho cán bộ thú y cơ sở. Tiêm phòng cho heo cũng được thực hiện 1 năm 2 đợt, nhưng vacxin thì ngành chức năng vận động hộ chăn nuôi tự mua vacxin. Đối với gia cầm thì tiêm phòng chủ yếu cho tái đàn, nuôi mới, nguồn vacxin cũng do Nhà nước hỗ trợ.
Thế nhưng trong đợt tiêm phòng vacxin lở mồm long móng đợt 2 năm 2023 này, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã không còn lực lượng thú y thôn, nên ngành chức năng các địa phương lúng túng không vì thiếu nhân lực phục vụ cho công tác tiêm phòng.
Phỏng vấn Ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định:
Từ 01/09 thì không còn lực lượng thú y cấp thôn. Trung tâm đã tham mưu cho thị xã bổ sung kinh phí bù ngày công cho lực lương thú ý cấp xã để hoàn thành tốt đợt tiêm phòng này.
Trước tình hình đó, tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2023 về kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh, theo đó, mỗi xã có 1 cán bộ thú y phụ trách địa bàn với mức phụ cấp cao hơn trước đây. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh gắn kết trách nhiệm phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với hoạt động của thú y tư nhân theo quy định của Luật Thú y.
Phỏng vấn Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định:
Theo Luật Thú y, người hành nghề thú y tư nhân phải cung cấp thông tin và thực hiện theo sự điều động của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã hướng dẫn các địa phương trong thời gian tới đây sẽ hình thành các nhóm cộng tác viên, gắn trách nhiệm của đội ngũ này cùng với lực lượng thú y xã trong công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Với các giải pháp nêu trên, công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi của Bình Định vẫn được thực hiện nghiêm cẩn, dịch bệnh được kiểm soát. Do đó, tổng đàn vật nuôi phát triển ổn định, người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn nhằm phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên đán sắp đến.