Xoài Cát Chu đặt chân tới châu Âu. Doanh nghiệp chế biến khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Hà Nội gieo cấy được 90% diện tích lúa xuân. Hồ tiêu có phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
XOÀI CÁT CHU ĐẶT CHÂN TỚI CHÂU ÂU
3 tấn xoài Cát Chu được thu hoạch từ các nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp vừa được xuất khẩu chính ngạch sang châu Âu thông quan một công ty nhập khẩu của Hà Lan. Ngay sau khi cập cảng hàng không Amsterdam, lô Xoài cát chu trên sẽ được kiểm dịch và phân phối cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tại một số quốc gia châu Âu. Đến tay người tiêu dùng, Xoài cát chu Việt Nam có giá từ 16 - 18 Euro/kg, tương đương….. VND, cao hơn nhiều loại xoài đến từ các nước khác do cước vận chuyển theo đường hàng không cao. Tuy nhiên để giữ được hương vị tươi ngon, doanh nghiệp nhập khẩu đã quyết định sử dụng phương thức vận chuyển này. Nếu vận chuyển theo đường biển, giá bán lẻ có thể giảm xuống khoảng 10 Euro/kg.
DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN KHÓ TIẾP CẬN NGUỒN VỐN HỖ TRỢ
Hiện trên 95% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ. Đại diện các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ, khó khăn lớn nhất mà các đơn vị hiện đang gặp phải là việc tiếp cận những hỗ trợ về khoa học công nghệ và nguồn vốn. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, để ngành chế biến nông sản có thể mở rộng thị phần, cần phải phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã song hành cùng nhóm doanh nghiệp lớn. Thực tế hiện nay cho thấy, những chính sách hỗ trợ ngành chế biến đã cơ bản được xây dựng đầy đủ. Nhưng để có sự liên kết, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn thì cần nhiều hơn sự phối hợp của các bên liên quan. Trong đó, đa dạng hóa cách tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy thị trường và hỗ trợ công nghệ là những yếu tố hàng đầu để thúc đẩy nhóm doanh nghiệp tiềm năng này. Năm 2021, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 3,52 tỷ USD, trong đó, sản phẩm chế biến chiếm 25,3%.
HÀ NỘI GIEO CẤY ĐƯỢC 90% DIỆN TÍCH LÚA XUÂN
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết ngày 2/3, toàn thành phố đã gieo cấy được hơn 90% diện tích lúa Xuân, tương đương hơn 70.000ha. Ngành nông nghiệp thủ đô đã có văn bản yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình sinh trưởng của lúa gieo sạ, bảo đảm đủ mạ cấy; cấy dặm kịp thời các diện tích lúa bị chết. Đối với lúa đã cấy, các địa phương cần duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng, tuyệt đối không để ruộng khô cạn.Đồng thời, tập trung bón thúc cân đối, kịp thời, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng kết hợp với cào cỏ, sục bùn để cho lúa đẻ nhánh nhiều. Sau bón 5 – 7 ngày rút nước để lúa đẻ nhánh sớm đạt số dảnh hữu hiệu, tạo tiền đề cho năng suất cao.
HỒ TIÊU CÓ PHIÊN GIẢM THỨ 3 LIÊN TIẾP
Thị trường hồ tiêu trong nước vừa có phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần này, khi giảm thêm 1.000 – 1.500 đồng/kg trong ngày hôm nay và giao dịch quanh mức 77.500 - 80.000 đ/kg. Cụ thể, giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giao dịch ở mức 79.000 đ/kg, giảm 1.000 đồng so với hôm qua. Còn tại Gia Lai, hồ tiêu đang được thu mua ở ngưỡng 77.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, đây cũng là mức thu mua hồ tiêu thấp nhất cả nước. Dù giảm giảm 1.500 đồng/kg, nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thuộ tốp địa phương có mức giao dịch giá hồ tiêu cao nhất cả nước, là 80.000 đồng/kg.