Xuất khẩu cá ngừ sang khối EU tăng trưởng 3 con số. 1.000ha trái cây Đồng Tháp có hộ chiếu sang Mỹ, EU, Nhật. Nông dân lo điều mất mùa, mất giá. Xâm nhập mặn lấn sâu vào ĐBSCL.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG KHỐI EU TĂNG TRƯỞNG 3 CON SỐ
Sau một năm nhiều biến động, xuất khẩu cá ngừ sang hầu hết các thị trường trong khối EU đã phục hồi ngay trong tháng đầu năm 2022, với giá trị xuất khẩu đạt gần 15 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, nhiều thị trường trong khối đang có mức tăng trưởng từ 3 tới 4 con số so với cùng kỳ như Lithuania tăng 1.938%, Hà Lan tăng 243%, Bỉ tăng 215%... Ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang khối này. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine đang gây ra thách thức lớn về chi phí vận chuyển, sản xuất, ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trước các nhà cung cấp nội địa.
1.000HA TRÁI CÂY ĐỒNG THÁP CÓ HỘ CHIẾU SANG MỸ, EU, NHẬT
Theo Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, địa phương đã có 162 mã số vùng trồng trên cây ăn quả, diện tích gần 6.000 ha chủ yếu là xoài, nhãn. Trong đó, xuất sang thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật là 40 mã, hơn 1.000 ha. Nổi tiếng và mới nhất là lô 3 tấn xoài Cát Chu được xuất đi Châu Âu bằng máy bay đem về lợi nhuận khủng cho người dân. Ngoài ra, trái xoài Đồng Tháp còn đủ chuẩn xuất sang Hoa Kỳ. Năm ngoái, khi xoài chính vụ giá rẻ chỉ 5.000 đồng một kg thì giá bán xuất sang quốc gia châu Mỹ đến 18.000 đồng. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 13.000 ha xoài, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng 113.000 tấn mỗi năm. Cách thành phố Cao Lãnh hơn 20 km, nhà vườn trồng chanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, huyện Cao Lãnh đang chuẩn bị những bước cuối cùng để xuất sang Hà Lan. Đại diện HTX Mỹ Long cho biết, muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Hà Lan, ngoài việc có mã số vùng trồng, nông dân trồng chanh phải cam kết nông sản không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lô hàng đều phải kiểm tra ngẫu nhiên, nếu vi phạm sẽ bồi thường toàn bộ lô hàng. Do vậy, ngoài việc không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch, Chanh ở HTX được nông dân chở trong những giỏ to, khi tới vựa không tiếp xúc mặt đất mà phải bắt ghế để lên để giảm lây nhiễm chéo sinh vật gây hại hoặc các loại thuốc bảo vệ thực vật trên nền đất nhiều người qua lại.
NÔNG DÂN LO ĐIỀU MẤT MÙA, MẤT GIÁ
Hàng nghìn hộ dân trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đứng ngồi không yên khi điều tươi rớt giá kỷ lục. Nếu năm ngoái điều ổn định ở mức 29.000-30.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 26.000 đồng/kg. Mưa nhiều cũng khiến năng suất giảm mạnh. Với giá cả đầu vụ như hiện nay, nhiều hộ dân có vườn điều ra bông đợt hai lo lắng giá thấp và thất thu khi thời tiết đang diễn biến bất thường và chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Thủ phủ điều Bình Phước hiện còn khoảng 140.000 ha điều, sản lượng hạt điều thô hơn 200.000 tấn/năm.
XÂM NHẬP MẶN LẤN SÂU VÀO ÐBSCL
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 3 đến nay, tại ÐBSCL mặn xâm nhập sâu 1g/l cao nhất trên sông Tiền từ 52-55km, sông Hàm Luông từ 70-74km, các cửa sông khác từ 54-61km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 95-108km. Ven biển Tây, nhờ có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã đi vào hoạt động, nên xâm nhập mặn được chủ động kiểm soát. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt phục vục sản xuất tại các vùng cửa sông. Ðặc biệt, tại các tỉnh ven biển xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất ở cả khu vực có nước mặn và nước ngọt ở các địa phương này. Dự báo, trong những ngày giữa và cuối tháng 3-2022, xâm nhập mặn 1g/l tại khu vực ÐBSCL giảm hơn đầu tháng 3, tuy nhiên vẫn giữ mức cao, lấn sâu vào nội đồng.