Kon Tum khó hoàn thành kế hoạch trồng 1.000ha chanh dây. Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo trong 10 tháng. Nửa đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê giảm 45% so với cùng kỳ. Việt Nam trong tốp 3 nguồn cung dừa tươi lớn nhất cho Hoa Kỳ.
Kon Tum khó hoàn thành kế hoạch trồng 1.000 hachanh dây
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, đến giữa tháng 11/2024, toàn tỉnh mới trồng được gần 340 ha chanh dây, đạt xấp xỉ 34% kế hoạch năm 2024 là 1.000 ha. Trong số đó, bà con chỉ trồng chủ tại thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Hà.
Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp Kon Tum xác định không thể hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc bà con nông dân không mặn mà với loại cây trồng này vì giá cả bấp bênh. Vì vậy, việc sớm có các đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm từ chanh dây trên địa bàn được xem là giải pháp để phát triển diện tích chanh dây theo kế hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp của tỉnh Kon Tum.
Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo trong 10 tháng
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt gần 7,8 triệu tấn với kim ngạch 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt trên 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Dự báo, trong năm nay, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt trên 8 triệu tấn, giá trị dự kiến đạt hơn 5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm trên 45%. Đến cuối tháng 10, Philippines nhập khẩu 2,91 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của nước này. Thị trường lớn tiếp theo là Indonesia và Malaysia. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần.
Nửa đầu tháng 11, khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 45%
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo Tổng cục Hải quan, khối lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11 của nước ta chỉ gần 21.000 tấn, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu này phản ánh hiện tượng khác thường. Thị trường lo ngại sản lượng cà phê vụ mới đẩy ra thị trường muộn hơn bình thường khiến thiếu hụt nguồn cung chung, từ đó tạo hỗ trợ với giá.
Hơn nữa, trong những niên vụ gần đây, sản lượng cà phê Việt Nam liên tục suy giảm do thời tiết khắc nghiệt. Nhiều tổ chức dự báo sản lượng niên vụ 2024 - 2025 có thể giảm 10-15%, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. Hiện nay, dù đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ nhưng ngành cà phê Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro từ hiện tượng La Nina dự kiến xuất hiện trong những tháng cuối năm, có thể gây mưa lớn làm gián đoạn thu hoạch và giảm sản lượng.
Hoa Kỳ ngày càng ưa chuộng dừa Việt Nam
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu dừa tươi, đã bóc vỏ hoặc chưa bóc vỏ (trừ phần vỏ bên trong) đạt 45.000 tấn, trị giá 47 triệu USD, tăng 12% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các nguồn cung dừa tươi cho thị trường Hoa Kỳ, dừa của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ nhập khẩu gần 3.900 tấn dừa tươi từ Việt Nam, trị giá 4 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, dừa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này tăng tới 1.156% về lượng và tăng 934% về trị giá. Mức tăng trưởng của dừa tươi Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nguồn cung khác như Costa Rica hay Mexico. Qua đó đưa Việt Nam vào top 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.