| Hotline: 0983.970.780

Việc làng, đất vàng cũng hiến

Thứ Năm 31/03/2011 , 10:45 (GMT+7)

Người dân xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đã tình nguyện hiến đất trị giá tới gần 150 tỷ đồng để làm đường.

Giá đất ở Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đang vào loại cao so với các xã ngoại thành TP HCM. Vậy mà người dân xã này đã tình nguyện hiến đất trị giá tới gần 150 tỷ đồng để làm đường.

Cán bộ đi trước

Đường Nguyễn Văn Bứa và đường Phan Văn Hớn là 2 trục đường chính của xã Xuân Thới Thượng. Chạy một vòng xe máy qua 2 con đường này, tôi bắt gặp tới hàng chục “sàn” giao dịch đất đai lớn nhỏ. Đem chuyện “mắt thấy” ấy hỏi ông Nguyễn Trọng Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, ông cười: “Xuân Thới Thượng là một trong những xã mà tình hình mua bán, chuyển nhượng đất đai vào hàng sôi động nhất ở Hóc Môn. Trong năm qua, số hồ sơ mua bán, chuyển nhượng đất đai ở Xuân Thới Thượng chiếm tới 1/3 tổng số hồ sơ của cả huyện”. “Nếu vậy, giá đất ở đây chắc cũng đang cao?”, tôi lại hỏi. Ngẫm ngợi giây lát, ông Bằng nói: “Tui không mua bán đất nên không rành lắm, nhưng nghe bà con nói đất mặt đường ở 2 trục đường này hiện vào khoảng 10-15 triệu đ/m2. Ở các tuyến đường nhỏ thuộc Xuân Thới Thượng, giá đất hiện cũng vào khoảng 5 triệu đ/m2”.

Giá đất cao là thế, vậy mà sau hơn 1 năm triển khai xây dựng NTM, chính quyền xã Xuân Thới Thượng đã vận động được nhiều hộ dân trong xã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Hết năm 2010, gần 1.000 hộ dân ở Xuân Thới Thượng đã tự nguyện hiến 70.584m2 đất trị giá hơn 141 tỷ đồng. Điều đáng nói là dân tự nguyện hiến đất mà không có một chế độ bồi thường, hỗ trợ nào hết. Vậy làm cách nào mà chính quyền Xuân Thới Thượng đã vận động được người dân hiến một diện tích đất có giá trị lớn như thế?

“Chúng tôi huy động toàn lực, từ tổ chức Đảng, chính quyền tới các tổ chức đoàn thể, xã hội, cùng nhau vận động nhân dân. Chẳng hạn tổ chức Đảng thì vận động đảng viên, Hội Phụ nữ vận động các bà, các chị, Hội Cựu chiến binh vận động những người đã từng phục vụ trong quân đội. Và để vận động có hiệu quả thì chính đảng viên, cán bộ phải gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất để làm đường”, ông Bằng cho biết. Một số gương cán bộ hiến đất có thể kể ra đây như gia đình anh Tuấn Anh, cán bộ xã, đã tự nguyện rời hàng rào vào trong, để lấy đất mở đường. Chỗ đất đó, tính giá thị trường bây giờ, lên tới trên 100 triệu đồng. Hay một cán bộ ở ban Thanh tra đô thị của xã, do ngôi nhà của mình nằm đúng vào chỗ cần giải tỏa để mở rộng mặt đường, nên đã tự nguyện đập luôn căn nhà đó…

Bên cạnh đó, chính quyền xã còn nhờ các cô bác cao tuổi, có uy tín trong cộng đồng dân cư, cùng tham gia vận động bà con hiến đất làm đường, nhất là ở những đoạn đường có nhiều hộ dân còn chưa “thông”. Ông Đỗ Hoàng Lân, ngụ tổ 6, ấp 7, là một người như thế. Gia đình ông Lân đã có ở Xuân Thới Thượng từ lâu. Từ sau năm 1975 tới giờ, gia đình ông đã tự nguyện bỏ ra cả trăm mét đất để làm đường cho bà con đi lại. Tuy nhiên, con đường đó vẫn còn nhỏ, một chiếc xe bò không đi lọt, nên bà con vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản. Khi xã có chủ trương vận động nông dân hiến đất để mở rộng đường sá theo chương trình NTM, ông Lân hưởng ứng liền. Ông tự nguyện rời hàng rào vào trong 80 cm. Với bề ngang mảnh đất là 12 m, tính ra tổng diện tích đất mà gia đình ông Lân hiến đợt này là 9,6 m2, tương đương với 48 triệu đồng.

Sau đó, ông Lân đi vận động bà con, xóm giềng cùng tham gia hiến đất. Bà con xung quanh đó vốn nể gia đình ông Lân vì đã mấy lần tự hiến đất mở đường cho mọi người đi lại, nên lần này thấy ông lại hiến đất nữa, nên đều rủ nhau nghe lời ông, tự nguyện rời hàng rào vào trong để nhường đất cho xã làm đường. Chỉ có một hộ ở đối diện với nhà ông Lân là nhất quyết không chịu hiến đất. Không nản chỉ, ông Lân thường xuyên qua lại thăm hỏi và tỷ tê khuyên nhủ họ. Dần dà, hộ này đã nghe ra và đã đồng ý lùi hàng rào vào trong. Nhờ vậy, sau hàng tháng trời đình trệ thi công, đến nay, tuyến đường này đã sắp sửa được hoàn thành.

Hiến đất- mất 1, được 2

Trong năm 2010, Xuân Thới Thượng đã hoàn thành 24 tuyến đường. Năm nay xã đăng ký xây dựng 66 tuyến đường. Với tiến độ thi công như vậy, đến giữa năm 2012, Xuân Thới Thượng sẽ hoàn thành việc xây dựng đường giao thông nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Dìa, Trưởng ban nhân dân ấp 5, chia sẻ: “Vận động bà con hiến đất không phải là chuyện dễ dàng, bởi với giá đất bây giờ thì mỗi tấc đất đúng là một tấc vàng, nên ai cũng tiếc, nhất là những hộ ở đầu đường, có mặt tiền tiện buôn bán. Nhưng mình cứ tỷ tê vận động họ, rằng xã được chọn làm điểm xây dựng NTM, có kinh phí Nhà nước cấp cho để làm đường nông thôn. Nếu bà con cứ khư khư giữ đất, khiến cho xã không thể mở rộng được mặt đường theo đúng như quy định của Nhà nước, thì cơ hội làm đường sẽ mất đi, bà con sẽ lại tiếp tục phải đi trên những con đường đất lầy lội mà không biết đến bao giờ mới được đi trên đường nhựa sạch sẽ. Rồi chúng tôi nói với bà con rằng ấp này, ấp kia đang làm đường đi đẹp lắm, chẳng lẽ ấp mình lại thua họ sao? Nghe vậy, bà con lần lượt rủ nhau hiến đất để xã làm đường. Hộ ông Trần Văn Hượt còn rời hẳn ngôi nhà sang vị trí khác để lấy chỗ mở đường”.

Đến thời điểm này, công tác vận động dân hiến đất làm được vẫn đang được tiếp tục ở Xuân Thới Thượng. Bởi ở một số tuyến đường vẫn còn một số hộ dân chưa “thông”. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Trọng Bằng tin tưởng rằng công tác vận động dân sẽ sớm được hoàn thành, khi nhiều mũi “giáp công” vẫn tiếp tục được duy trì một cách hiệu quả như thế. Mặt khác, dân hiến đất đến đâu, xã mở đường, rải nhựa ngay đến đấy. Những hộ chưa chịu hiến đất, thấy đường sá khang trang, sạch sẽ như vậy, nên rồi cũng tự nguyện nhường đất để mở đường.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.