| Hotline: 0983.970.780

Việt kiều Úc chấp nhận thử thách tham gia 'cuộc chơi' từ tôm giống gia hóa

Thứ Tư 02/05/2018 , 09:30 (GMT+7)

Sau 12 năm đắn đo, cuối cùng ông Nguyễn Tấn Mạnh, Việt kiều Úc quyết đã định trở về Việt Nam, cùng người nông dân giải bài toán khó của ngành nuôi tôm bằng con giống gia hóa. 

Chọn con đường đến và đi cùng nghề nông, với ông như là sự tự nguyện đương đầu thử thách.

07-24-37_ong_nguyen_tn_mnh
Ông Nguyễn Tấn Mạnh

Ông Mạnh nói, nếu tìm cơ hội đầu tư để kiếm lời thì đừng theo con đường này, riêng ông có những lý do riêng, cảm nhận riêng của người xa xứ. Ông chọn nguồn tôm giống đáng tin từ đảo Hawaii, sản xuất tôm giống gia hoá (tôm bố mẹ được thuần dưỡng, lai tạo đạt chuẩn ăn khoẻ, mau lớn, kháng bệnh) để người nuôi yên tâm hơn. Lúc đó, lĩnh vực này ít nhà đầu tư để mắt tới vì quá khó, quá rủi ro.
 

Không chỉ có tôm giống

Vào tuổi U70, nhưng trông ông Mạnh vẫn hoạt bát, đôi mắt tinh anh. Giọng ông nhẹ nhàng, chuyện trò lạc quan, yêu đời. Ông Mạnh thừa nhận, nhảy vào làm tôm giống quả không đơn giản, thậm chí vô vàn khó khăn. Nhất là trong khi thị trường cạnh tranh khốc liệt với mấy trăm công ty, cơ sở sản xuất tôm giống lớn nhỏ.

Vì vậy từ khi bước chân vào nghề, ông tâm niệm rằng đạo đức kinh doanh không có chỗ cho kiểu bán con giống chụp giựt, đưa người nuôi đi từ thất bại này tới thất bại khác để mình thu lợi, kiếm tiền thật nhanh, bất chấp rủi ro cho bà con nông dân. Đó là kiểu làm ăn thất đức.

Chính người trong nghề nuôi tôm ở miền Tây cũng từng chứng kiến bao nỗi thăng trầm. Vừa phất lên giàu có như đào trúng mỏ vàng, vậy mà thất bát mấy vụ sạt nghiệp, nợ nần chất cao như núi, đi ăn mày như chơi. Có người còn nói đùa: Nuôi tôm giống như đánh bạc “5 ăn - 5 thua”, khi con tôm vạn người nuôi và sự thành bại luôn là câu hỏi thách đố tâm trí và sức lực người nuôi.

Những thách thức rủi ro đó có thể đến từ môi trường, tay nghề và con giống, nhưng thất bại đầu tiên thường được nhắm vào con giống. Vì lẽ này, ông Mạnh băn khoăn: “Làm sao có thể gạt người mua vì con tôm tự nó nói lên hết, tỷ lệ sống, quá trình sinh trưởng là bằng chứng sống cho việc cung cấp con giống đàng hoàng, tử tế hay không?”.

Ông Mạnh dồn hết tâm huyết xây dựng thương hiệu “Tôm giống số 1” theo hướng nuôi an toàn sinh học, không chất kháng sinh, khắc phục tình trạng tôm chậm lớn. Nghĩa là tôm giống sản xuất ra thật khỏe, theo nguyên tắc con giống ương đúng kỹ thuật trong môi trường sạch, đủ dinh dưỡng và có khả năng kháng một số bệnh. Muốn vậy công ty phải sản xuất tôm giống gia hoá.

07-24-37_tom_su_giong_-_nh_hd
Tôm sú giống
Chỉ có thời gian nói lên tất cả. Qua hơn 16 năm vững chân tạo dựng uy tín chất lượng thương hiệu “Tôm giống số 1”, ông Việt kiều Nguyễn Tấn Mạnh này đã dần thuyết phục người nuôi tôm trong vùng. Từ đó, người nuôi tôm lấy lại niềm tin vào tôm giống nội địa, chấm dứt thời kỳ tôm giống ngoại làm mưa làm gió.

Kết quả 2 năm qua, "Tôm giống số 1" đưa ra thị trường 3 dòng tôm chất lượng: số 1, 3K, 3K+ (3 không: không bệnh đầu vàng, không đốm trắng, không MPV tức là virút gây bệnh còi tôm). Hơn nữa, thế mạnh của công ty là tự đầu tư phòng Lab kiểm định bệnh đầu vàng, đốm trắng, còi. Riêng chi phí kiểm định 600.000 - 700.000 đồng/mẫu cho những bệnh nêu trên, người mua tôm giống được miễn.
 

Qua những lần khởi nghiệp

Chọn TP Wollongong xinh đẹp, đất rộng bao la ở miền duyên hải thuộc vùng Illawarra của bang New South Wales, nước Úc, là điểm đến an bình, cuộc đời ông tưởng đã vĩnh viễn gắn bó với mảnh đất này. Năm 1979 ông Mạnh cùng gia đình sang định cư ở đây. Ban đầu biết bao bỡ ngỡ, bởi nước Úc quá bao la, rộng lớn.

Xa quê nhớ trường, lớp ở Cần Thơ gạo trắng nước trong và nghề dạy học chỉ còn là hoài niệm. Khởi nghiệp từ con số 0, ông cần mẫn làm đủ thứ nghề mưu sinh. Mấy năm đầu đi làm nhân công, về sau ông làm trang trại trồng cà chua trong nhà kính, rồi chuyển qua lập trang trại nuôi heo, nghề gì cũng gắn với chữ "nông".

Cũng như đa phần người Việt xa xứ, ông chỉ còn cách vùi đầu vào công việc mới vơi đi nỗi nhớ nhà. May nhờ trải qua những năm tháng chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế từ trồng trọt, chăn nuôi, ông Mạnh nghĩ, chuyện làm nông cho dù ở xứ ta hay Úc, đều có điểm tương đồng, chỉ khác là công nghệ, kỹ thuật sản xuất ở đây đã đi trước khá xa.

"Đơn cử, những năm đó, trang trại chăn nuôi của tôi bên Úc, tổng đàn vài trăm con heo nái. Nhờ năng lực chế biến thức ăn có bổ sung chất dinh dưỡng, đàn heo giống tốt sinh sản 2,3 lứa/năm. Trong khi các trại nuôi heo nái trong nước đạt có 1,5 lứa. Con giống di truyền không tốt nên khi chuyển qua người nuôi heo thịt thương phẩm, heo con thường lớn chậm, ít nạc, nhiều mỡ", ông phân tích.

07-24-37_nuoi_tom_cong_nghe_co_o_bc_lieu_-_nh_hd
Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu

Bước ngoặt bắt đầu từ đây. Năm 1991 lần đầu tiên trở về Việt Nam tìm hiểu chính sách mở cửa đầu tư, ông Mạnh suy đoán: Nước ta dân số trên 80 triệu người, với chính sách mời gọi đầu tư thông thoáng. Riêng ngành nghề chăn nuôi đang phát triển, sức tiêu thụ tại thị trường nội địa sẽ lớn dần. Đó ẽ là mảnh đất tốt. 

Quả đúng vậy, năm 1992 ông chính thức đầu tư vào chăn nuôi. Khởi sự xây dựng cơ sở sản xuất vitamin remix là thành phần dinh dưỡng bổ sung vào thức ăn cho heo, sau 3 năm sản xuất, kinh doanh đúng hướng, hiệu quả, ông liên doanh với một công ty đa ngành, trong đó có ngành thuốc thú y, qua đó mở rộng làm ăn.

Kết thúc chặng đường liên doanh 7 năm, ông Mạnh tách ra, chuyển hướng sang một lĩnh vực mới. Năm 2002 ông vừa tròn 50 tuổi, bắt đầu khởi nghiệp với việc thành lập Cty TNHH Tôm giống số 1, vốn đầu tư ban đầu 1,5 triệu USD, xây dựng vùng sản xuất tôm sú giống 12ha ở ấp Gà Cát, Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu).

Đến nay ông đã mở rộng thêm cơ sở 2 tại Phan Rang (Ninh Thuận); đồng thời hoàn thiện kỹ thuật hạ tầng làm tôm giống gia hoá, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,4 triệu USD, với năng lực sản xuất mỗi năm đạt trên 3 tỷ con tôm sú giống từ bố mẹ gia hoá, tạo việc làm cho 150 - 200 nhân viên. 

“Sau gần 30 năm trở về, nghĩ tới con đường đầu tư kinh doanh của tôi có lẽ phần nhiều nghiêng về đam mê. Hãy nhìn ra xã hội, người nuôi tôm thành công thì chúng tôi mới thành công, chứ không thể kiếm tiền bằng mọi giá”, ông Mạnh tự bạch. Dường như trong ông còn nuôi dưỡng nhiều ý định, là không chỉ tạo ra con tôm mà cái chính là tạo ra người có lòng tốt.

 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển