Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Belarus - Việt Nam do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Belarus tại TP.HCM, Cơ quan Tiếp thị và Nghiên cứu Giá cả Quốc gia Belarus tổ chức, tại TP.HCM, ngày 23/9.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Belarus, được thiết lập từ năm 1992. Những năm qua, quan hệ song phương giữa hai nước đã ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực, với sự gia tăng độ tin cậy và trao đổi đoàn thường xuyên ở các cấp.
Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko vào tháng 12/2023 đã mở ra hướng đi mới cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa hai bên. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Belarus đạt 65,3 triệu USD. Tính đến quý I/2024, Belarus đã đầu tư 32,25 triệu USD vào 3 dự án tại Việt Nam.
Đặc biệt, với việc Việt Nam đã thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu, trong đó Belarus là thành viên, TP.HCM tin rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trong tương lai.
Theo ông Võ văn Hoan, TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích Việt Nam nhưng đang đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách quốc gia. Với quy mô kinh tế hơn 60 tỷ USD và dân số khoảng 13 triệu người, TP.HCM là trung tâm kinh tế hàng đầu, có hạ tầng giao thông hiện đại và kết nối quốc tế thuận lợi.
TP.HCM còn thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư đến làm việc, sinh sống. Thành phố đang áp dụng các cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á và điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Ông Uladzimir Baravikou, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Belarus tại Việt Nam chia sẻ, người dân Việt Nam đã quen thuộc với hình ảnh chiếc xe Minsk đã xuất hiện từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Trong khi đó, người dân Belarus cũng đã quen thuộc với các sản phẩm như gạo, cao su, thiết bị điện tử từ Việt Nam.
Ngoài quan hệ song phương, Việt Nam và Belarus đều là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), đây là điều kiện thuận lợi để hai nước đưa quan hệ hợp tác lên một cấp độ mới, hiệu quả hơn.
Theo ông Evgeny Russak, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Tiếp thị Quốc gia Belarus, Belarus có nền kinh tế mở với hơn 63% giá trị hàng hóa, dịch vụ dành cho xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Belarus là hóa dầu, máy móc, luyện kim, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, sản phẩm từ sữa và thịt, đồ nội thất, thủy tinh, sợi thủy tinh, xi măng. Trong khi đó, Belarus nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô và linh kiện, phụ tùng máy móc, thiết bị công nghệ.
“Việt Nam và Belarus đều có ngành nông nghiệp phát triển, trong khi Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông sản, thực phẩm thì Belarus có lợi thế về máy móc nông nghiệp, phân bón các loại.