Belarus đề xuất hợp tác giáo dục trong nông nghiệp với Việt Nam. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ mang về cho Việt Nam hơn 6 tỷ USD. Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình trồng các giống sen mới.
BELARUS ĐỀ XUẤT HỢP TÁC GIÁO DỤC TRONG NÔNG NGHIỆP VỚI VIỆT NAM
Thảo Phương sx
Tại buổi tiếp và làm việc với ngài Uladzimir Baravikou, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Belarus, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời mong muốn duy trì mở rộng hợp tác cùng có lợi với Belarus.
Tại buổi gặp, Ngài đại sứ Belarus đề xuất hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nông nghiệp giữa hai nước, đồng thời nhắc lại trong thời kì Liên bang Xô Viết, đã có nhiều sinh viên Việt Nam sang Belarus học tập, đơn cử như nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngài Cao Đức Phát đã tốt nghiệp học viện nông nghiệp Belarus, hiện nay, Belarus đang tích cực đối thoại với các trường Đại học của Việt Nam và mong Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ Belarus trong lĩnh vực này.
Trước đề xuất của ngài đại sứ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, phía nước bạn cần có cơ chế cụ thể, chính sách hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam trong quá trình học tập, nhất là chuyên ngành đào tạo thú y.
Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam
Minh Phúc khai thác
Theo số liệu mới nhất, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ, đạt giá trị 361 triệu USD. Đáng chú ý, Hoa Kỳ đã bị soán ngôi thị trường nhập khẩu nhiều tôm Việt Nam nhất.
Kết quả này chủ yếu nhờ Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu tôm hùm xanh (gấp 112 lần) và tôm chân trắng (tăng 30%).
Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang một vài thị trường khác như Hoa Kỳ tăng nhẹ 4%, Nhật Bản giảm nhẹ 3%, EU tăng nhẹ 1%, Canada tăng 51%, Anh tăng 15%, Nga tăng mạnh 332%…
Xuất khẩu gỗ mang về cho Việt Nam hơn 6 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 6,14 tỷ USD (tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2023).
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là nhờ thị trường gỗ trong nước cũng như quốc tế đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đều tăng trưởng tích cực. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu đồ nội thất gỗ đã đạt 3 tỷ USD (tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 61,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ).
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt hơn 14,2 tỷ USD (tăng khoảng 6% so với năm 2023).
Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình trồng các giống sen mới
Minh Phúc khai thác
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân khôi phục, đưa những giống sen mới (như Bách Diệp, Quan âm, Cung đình trắng…) vào sản xuất. Các mô hình này không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình trình diễn hoa sen giống mới, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu tại phường Quảng An (quận Tây Hồ), xã An Phú (huyện Mỹ Đức), thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất), với quy mô 17ha, với 5 hộ tham gia.
Việc nhân rộng các mô hình trồng sen vẫn còn gặp không ít khó khăn do các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công, cơ sở hạ tầng ở một số vùng trồng sen chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, nhiều mô hình phát triển du lịch từ trồng sen đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng chưa được đầu tư, làm mới…