Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, chiều 30/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cùng chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước Việt Nam-Mông Cổ.
Các văn kiện ký kết gồm: Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Mông Cổ.
Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ.
Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ về an ninh mạng và phòng chống tội phạm.
Bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Chính quyền thành phố Hà Nội và Chính quyền thành phố Ulan Bator.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ.
Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ.
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký sổ “Khách danh dự" với nội dung ghi lưu bút sổ “Khách danh dự” tại Cung Nhà nước Mông Cổ: “Việt Nam-Mông Cổ đã đi qua chặng đường tròn 70 năm với những thành tựu hợp tác phát triển quan trọng.
Hôm nay, Tổng thống Mông Cổ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cùng tuyên bố nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ, điều này sẽ mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất, hiệu quả, toàn diện và lâu dài hơn vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân hai nước.
Chúc đất nước Mông Cổ phồn vinh, nhân dân Mông Cổ hạnh phúc.
Chúc tình hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc đời đời bền vững”.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời cũng thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ, thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mông Cổ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết Mông Cổ là quốc gia ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng cả về vật chất lẫn tinh thần trong phong trào đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc.
Ngày nay, hai nước thường xuyên giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, duy trì hợp tác chặt chẽ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và giao lưu nhân dân. Hợp tác trên các lĩnh vực được hai nước triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả thực chất.
Tiềm năng hợp tác nông nghiệp
Trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây tăng trưởng nhanh, với kim ngạch song phương năm 2022 đạt 85 triệu USD; năm 2023 đạt 132 triệu USD; 7 tháng năm 2024 đạt 65,5 triệu USD. Hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mông Cổ các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Thuốc lá Sài Gòn, Cà phê G7, phở khô, bia Saigon... và nhập khẩu từ Mông Cổ chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh, quan hệ Việt Nam - Mông Cổ đang ngày càng mở rộng và có tiềm năng phát triển lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp.
Về kinh tế, hai bên có thể tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như khai khoáng, luyện thép, xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăn nuôi.
Về du lịch, do sự khác biệt về khí hậu, địa lý, hai nước có các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách của nhau. Cả hai nước đều đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch và đã miễn thị thực cho du khách, mở các đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác, phát triển du lịch trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa.
Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm tàng cho hợp tác giữa hai nước. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Hai nước có thể hợp tác trao đổi công nghệ, kinh nghiệm và sản phẩm nông nghiệp.
Việt Nam và Mông Cổ cũng có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và trao đổi công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, chăn nuôi và sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội phát triển bền vững cho hai nước.