Ngày 14/12, nhân chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và tham dự Hội nghị cấp cao EU - ASEAN của Thủ tướng Chính phủ tại Brussels, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với Tổng Vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EU (DGMARE).
Mở đầu cuộc gặp, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu các giá trị cốt lõi mà DGMARE và EU đang theo đuổi đối với phát triển bền vững đại dương và thủy sản. Bà Charlina Vitcheva, Tổng Vụ trưởng của DGMARE đã chia sẻ rất thẳng thắn các mối quan tâm của EU đối với phát triển bền vững đại dương và nguồn lợi thủy sản.
Phía EU cương quyết không chấp nhận bất cứ hành động nào (zero tolerance) liên quan đến khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Điều này tiếp tục nhận được đồng thuận chính trị ở mức cao nhất của tất cả các quốc gia thành viên EU trong cuộc hợp mới đây vào tháng 6/2022 tại Lisbon.
Trong 20 năm vừa qua, EU hầu như không trợ cấp cho ngành khai thác hải sản và đồng thời áp mức trần về sản lượng khai thác cũng như số tàu khai thác của mỗi quốc gia thành viên. Đối với EU, chống khai thác IUU hướng tới 2 mục đích: (i) bảo vệ nguồn lợi hải sản trên biển bền vững, đảm bảo sinh kế cho các cộng đồng ngư dân; (ii) đảm bảo công bằng, công lý cho các ngư dân triển khai tốt các hoạt động khai thác hải sản bền vững.
Bà Charlina Vitcheva đánh giá cao cam kết chính trị và nỗ lực triển khai chống khai thác, đánh bắt IUU của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong việc thiết lập hành lang pháp lý và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT Việt Nam.
Sau cuộc làm việc của Đoàn Thanh tra IUU đến Việt Nam vào cuối tháng 10/2022, bà Vitcheva lưu ý có 4 điểm phía Việt Nam cần lưu ý cho cuộc thanh tra sắp tới: (i) đảm bảo không còn tàu cá vi phạm bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài; (ii) tất cả các vụ vi phạm từ trước đến nay cần được xử lý nghiêm minh, minh bạch với mức chế tài đủ răn đe, không dám tái phạm; (iii) tăng cường quản lý đội tàu, đảm bảo lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu; (iv) tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu cho chế biến, đảm bảo có nguồn gốc không phải IUU.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao các thông tin và gợi ý của bà Vitcheva đưa ra. Theo Bộ trưởng, điều quan trọng nhất không phải là việc Việt Nam đảm bảo thực thi đầy đủ các điều kiện của EU đưa ra để xóa "thẻ vàng" IUU mà là việc người dân và doanh nghiệp Việt Nam phải thấy được lợi ích trong chống khai thác, đánh bắt IUU.
Khi người dân hiểu được lợi ích của việc chống khai thác, đánh bắt IUU, họ sẽ chủ động tham gia giám sát và đấu tranh chống lại các hành vi sai phạm. Đây là nền tảng để xây dựng hình ảnh quốc gia và uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và sự tham gia có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu.
Bộ trưởng cũng thông báo cho bà Vitcheva về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập và triển khai Kế hoạch hành động 180 ngày chống khai thác, đánh bắt IUU, chuẩn bị cho đoàn thanh tra đợt tới của EU. Đồng thời, Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược nuôi biển và chuyển đổi sinh kế cho ngư dân.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của EU về tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực không chỉ cho việc chống khai thác và đánh bắt IUU mà còn để phát triển nền kinh tế xanh lam (Blue Economy) bền vững cho các đại dương.