“Việt Nam đang có vị thế địa chính trị tốt, nhất là khi nước ta đang làm rất tốt việc chống lại đại dịch. Cùng với đó là việc thực hiện EVFTA, CPTPP tạo ra sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu và đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc của Mỹ, Nhật Bản và các nước EU”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), phân tích.
Việt Nam còn có lợi thế là 4 chuỗi cung ứng ngành hàng: điện thoại thông minh và linh kiện, máy tính và linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng, nằm trong nhóm có tỷ trọng cao, chiếm 40%-50% tỷ trọng xuất nhập khẩu.
"Đây là những lợi thế rất lớn để Chính phủ, Bộ KH&ĐT có kế hoạch xúc tiến thu hút đầu tư hiệu quả, giúp đất nước phục hồi kinh tế sớm", ông Hiệp nhận định
Ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần tập trung vào 3 vấn đề chủ yếu là tài chính, hoạt động kinh doanh và nguồn nhân lực nhằm khôi phục và thúc đẩy dịch vụ phát triển trong 2020-2021.
Để giải quyết thào gỡ những khó khăn hiện nay, ông Hiệp cho biết Hiệp hội có một số kiến nghị: đẩy nhanh giải ngân các gói tín dụng, gói cứu trợ, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đảm bảo an sinh xã hội một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của sản xuất, xuất khẩu và xã hội nói chung; lãi ưu đãi vốn vay ngân hàng và đơn giản hóa thủ tục vay; tận dụng việc giảm hoặc hoãn trả thuế doanh nghiệp.
Một vấn đề cũng cần được quan tâm là việc giảm chi phí về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Cụ thể như: giảm 50% hoặc miễn phí sử dụng kết cấu công trình cảng biển khu vực Hải Phòng trong 1 năm; giảm 20-30% phí cầu đường BOT, đường cao tốc cho các xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian 6 tháng đến 1 năm. Kịp thời giảm giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới. Giảm 30% phí kiểm định phương tiện vận tải đường bộ. Hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong năm 2021.