| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đã tổ chức thành công một hội nghị đầy ý nghĩa

Thứ Năm 27/04/2023 , 13:39 (GMT+7)

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với thách thức mới, việc Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững – Mạng lưới một hành tinh vừa diễn ra thành công tại Hà Nội từ ngày 24-27/4/2023. Đây là Hội nghị cấp bộ trưởng do Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Ban Thư ký Chương trình Lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) của Liên Hợp Quốc tổ chức.

Chủ đề xuyên suốt của hội nghị SFS lần thứ 4 này là: “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”. Việt nam là quốc gia châu Á đầu tiên đăng cai tổ chức một trong những sự kiện quan trọng nhất về hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu.

Cuộc tọa đàm giữa Vụ Hợp tác quốc tế và các chuyên gia quốc tế đã diễn ra trong khuôn khổ phiên bế mạc hội nghị vào ngày 27/4, nhằm nêu lên cảm nhận về kết quả hội nghị và triển vọng thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam.

Vì một tương lai hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

Chia sẻ về quá trình tổ chức Hội nghị, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết: “Chúng ta đã tạo cảm hứng và khát vọng không chỉ cho Việt Nam mà còn cho các quốc gia và đối tác quốc tế, cùng nhau hướng đến chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững cho hiện tại và tương lai. Đó là một bước đệm quan trọng để tất cả bắt tay cùng hành động. Chúng ta ta đã xác định được các giải pháp thay vì tiếp tục tranh luận về các khái niệm, lý luận, phương pháp”.

Thông qua Hội nghị, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm, chú ý và hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế để triển khai hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Đây đồng thời là cơ hội để giới thiệu những nét đặc sắc về thực phẩm, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Cuộc tọa đàm giữa Vụ Hợp tác quốc tế và các chuyên gia quốc tế đã diễn ra trong khuôn khổ phiên bế mạc hội nghị vào ngày 27/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Cuộc tọa đàm giữa Vụ Hợp tác quốc tế và các chuyên gia quốc tế đã diễn ra trong khuôn khổ phiên bế mạc hội nghị vào ngày 27/4. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, Việt Nam là một trong quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững. “Chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững không phải mục tiêu của riêng một đơn vị, cá nhân, tổ chức, mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống”.

Hướng tới Mục tiêu thiên niên kỷ, đạt mục tiêu xã hội bền vững và công bằng, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế xác định sẽ tập trung vào một số công việc cụ thể. Phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện và thực thi chính sách, văn bản của Nhà nước liên quan đến hệ thống LTTP bền vững, từ sản xuất, tiêu chuẩn, đến các vấn đề về an toàn thực phẩm; Thay đổi hành vi tiêu dùng; Đưa ra những sáng kiến, công nghệ nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống.

PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh công tác giáo dục truyền thông, thay đổi hành vi người tiêu dùng. “Đặc biệt trong bối cảnh cụ thể tại Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ có cách nhìn "từ dưới lên". Đây là một cách nhìn tôi học hỏi được từ những người bạn quốc tế, nhìn nhận công tác thay đổi hành vi tiêu dùng và thay đổi từ góc độ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến thay đổi góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Chúng ta cần thay đổi hành vi từ góc độ cơ bản nhất để có thể cải thiện hệ thống dinh dưỡng, chế độ ăn lành mạnh, từ đó tác động ngược lại đầu ra, củng cố tính bền vững của hệ thống LTTP”.

PGS.TS Trương Tuyết Mai nhận định, sự phối hợp liên ngành đan xen hợp tác quốc tế là yếu tố mang tính quyết định. “Việt Nam đã có Chiến lược dinh dưỡng quốc gia, và chúng tôi đã đưa vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để đến năm 2030 giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống dưới 15%, kiểm soát tỉ lệ thừa cân, béo phì dưới 10% ở trẻ em và dưới 20% ở người lớn”.

Ông Remi Nono Womdim, trưởng đại diện FAO, đánh giá Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cách tiếp cận hệ thống LTTP bền vững và sự vào cuộc của chính phủ các nước. ”Tôi cho rằng hội nghị đã đạt được những mục tiêu đã đề ra. Kết quả của hội nghị sẽ là tiền đề hữu hiệu, đóng góp cho sự kiện Khoảnh khắc Kiểm kê Hệ thống LTTP LHQ 2023 diễn ra tại Italy sắp tới”.

Theo ông Brian Allemekinders, Trưởng ban hợp tác, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, dù không có nội dung hoàn toàn đột phá so với các hội nghị đã tổ chức trong quá khứ, việc Việt Nam thành công tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững trong bối cảnh hiện tại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

“Thứ nhất, chúng ta đã trải qua 3 năm đầy gián đoạn do những ảnh hưởng của Covid-19, chứng kiến những tác động rõ rệt trên hệ thống LTTP toàn cầu. Mất an toàn thực phẩm đang có dấu hiệu gia tăng, và sau đại dịch Covid-19, chúng ta càng phải quan tâm đến vấn đề này. Thứ hai, giá thành tăng cao đang ảnh hưởng đến hệ thống LTTP qua từng năm, đòi hỏi chúng ta càng phải chuyển đổi mạnh mẽ. Thứ ba, biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta có trách nghiệm nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này trong quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP. Điều cuối cùng tôi muốn đề cập là những xung đột đang diễn ra trên thế giới. Đây là một vấn đề rất thực tế, tác động nghiêm trọng đến quá trình sản xuất và tiêu thụ thực phẩm. Sự tồn tại của bốn vấn đề trên khiến vai trò của hội nghị trở nên vô cùng quan trọng đối với tương lai của nhân loại”, ông Brian Allemekinders chia sẻ.

Việt Nam hành động mạnh mẽ vì hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Tùng Đinh.

Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc tham gia Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thế giới. Đó là Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030. Hưởng ứng cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã giao cho các bộ liên quan chuẩn bị dự thảo, quyết định nhằm xây dựng hệ thống LTTP Việt Nam minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: “Đây không phải là một điều chúng ta phải làm do đã cam kết với thế giới. Hành động này xuất phát từ lợi ích, khát vọng thịnh vượng và bền vững của Việt Nam. Chúng ta cần phải thay đổi, thông qua đó đạt 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) Việt Nam”.

Ngày 28/03/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định Phê duyệt Kế hoạch hành động xây dựng Hệ thống LTTP minh bạch, trách nghiệm, bền vững. Quyết định đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn: I) Rà soát hệ thống chính sách; II) Chuyển đổi hệ thống sử dụng vật tư đầu vào, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống LTTP; III) Chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nghiệm, bền vững, đặc biệt phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam; IV) Chuyển đổi hệ thống chế biến, phân phối LTTP; V) Chuyển đổi nhận thức người tiêu dùng, hướng tới tiêu dùng trách nghiệm, bền vững.

Để triển khai các mục tiêu trên, các cơ quan liên quan tại Việt Nam sẽ thành lập Đối tác về Chuyển đổi Hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững. “Nhóm đối tác sẽ có phạm vi rất rộng, không chỉ giữa các bộ, ban, ngành tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ mời gọi sự tham gia của các tổ chức quốc tế, đại diện của các khu vực tư nhân và tổ chức xã hội. Về cách làm, chúng tôi hướng tới việc tận dụng tất cả các chương trình, dự án, sáng kiến hiện có vốn đang được triển khai một cách nhịp nhàng, hiệu quả, từ đó thúc đẩy các bên đạt kết quả tốt hơn”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết.

Việt Nam mặc dù được ghi nhận là 1 trong những quốc gia có năng lực sản xuất lương thực thực phẩm thuộc nhóm cao nhất thế giới, nhưng, xét ở chế độ dinh dưỡng, 26,6% dân số Việt Nam không thể chi trả cho chế độ ăn lành mạnh, và tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn rất cao. Thông qua các kế hoạch trong tương lai, FAO dự kiến đẩy mạnh hỗ trợ cho Việt Nam trong chương trình hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, từ đó giúp nâng cao an ninh dinh dưỡng và an ninh lương thực.

Ông Remi Nono Womdim, trưởng đại diện FAO. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Remi Nono Womdim, trưởng đại diện FAO. Ảnh: Tùng Đinh.

Thông qua quá trình làm việc với Chính phủ Việt Nam, FAO đã hoàn thành xây dựng Khung chương trình quốc gia (CPF) 2022 - 2026, tập trung vào bốn trọng điểm: I) Cách tiếp cận Một sức khỏe (One Health); II) Ứng phó biến đổi khí hậu (Climate change response), quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; III) An toàn thực phẩm (Food safety), sản xuất và tiêu dùng bền vững, và sinh kế công bằng cho tất cả mọi người; IV) Quản trị của Chính phủ, Giới và Người khuyết tật.

Ông Remi Nono Womdim cho biết, trong những năm tới, FAO hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.như Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26. FAO hy vọng đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết trên.

Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia mục tiêu trong Chương trình về Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thông qua chế độ ăn lành mạnh bền vững - SHIFT tới năm 2024. “Chúng tôi tại SHIFT đang nỗ lực thấu hiểu xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng và tác động của sự lựa chọn đó tới quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP. Quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững bao gồm rất nhiều hành động với những góc nhìn khác nhau, và việc nghiên cứu về vấn đề trên sẽ giúp chúng tôi hiểu sâu vấn đề và biết được cần phải triển khai các chính sách ra sao để việc chuyển đổi đi đúng hướng. Nhưng chúng tôi không có ý định dừng hợp tác sau năm 2024. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ NN-PTNT, Viện Dinh dưỡng quốc gia, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đối tác địa phương”, ông Alan de Brauw, Viện nghiên cứu Chính sách lương thực thực phẩm Quốc tế (IFPRI) nói tại buổi tọa đàm.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.