| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam dành ưu tiên cao nhất chống biến đổi khí hậu

Thứ Ba 02/11/2021 , 11:20 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhấn mạnh tại Hội nghị COP26: Việt Nam coi ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Hoàng Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Hoàng Anh.

Đe dọa phát triển bền vững

Phát biểu trong ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết là cách thức duy nhất và Việt Nam sẽ coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Đây là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu và cả cộng đồng nên khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng, Việt Nam mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, nhưng sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thủ tướng nhấn mạnh các yếu tố tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính được nhiều bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao; đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư, nhất là những nhóm dễ bị tổn thương, để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

Áp lực chuyển đổi ứng phó thời tiết cực đoan

Phát biểu tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết trước thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chịu áp lực về chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.

"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích hợp với sự khan hiếm nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn... Chúng tôi lựa chọn mô hình canh tác thuận thiên để thích ứng với biến đổi khí hậu chứ không chống lại biến đổi khí hậu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại sự kiện.

Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa khan hiếm nguồn nước sang trồng các loại rau màu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa khan hiếm nguồn nước sang trồng các loại rau màu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông trông đợi tại Hội nghị COP26 lần này, các nhà lãnh đạo sẽ cam kết mạnh mẽ để bảo vệ Trái đất, đặc biệt là các dự án, chương trình để bảo vệ các đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.

"Nguồn lực Việt Nam có hạn nên chúng tôi cần nhiều sự hợp tác, các khoản hỗ trợ, các dự án hợp tác để Việt Nam thực hiện mục tiêu bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long", ông Hoan chia sẻ.

Hiện nay, ở Việt Nam, do tác động của biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng và dày hơn. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán tiếp tục xuất hiện trong năm 2019-2020 với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn so với đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016. Đặc biệt là tại vựa lúa gạo và thủy sản đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người những năm vừa qua đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề.

(TH)

Xem thêm
Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.