Tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) có khoảng 30.000 đại biểu là các nước thành viên, các tổ chức đa phương, tổ chức phi chính phủ, thể chế tài chính và tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, COP26 có sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn Việt Nam dự COP26. Tham gia Đoàn có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, cùng nhiều đại diện các Bộ, ban ngành.
Phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, là quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu, dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song Việt Nam luôn xác định tăng trưởng xanh là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững, đang từng bước chuyển đổi một cách ổn định, hài hòa, hợp lý, có hiệu quả; trong đó quan tâm đến việc làm và đời sống của người lao động trong quá trình chuyển đổi. Việt Nam luôn chủ động, trách nhiệm trong hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan.
Việt Nam là một trong những quốc gia được giới chuyên môn đánh giá hứng chịu nhiều nhất các hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, từ rất sớm trước khi Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu được thông qua, Việt Nam đã xây dựng các nội dung dự kiến đóng góp cho nỗ lực ứng phó không chỉ ở tầm quốc gia mà còn tính đến nỗ lực chung của thế giới vào tháng 9/2015.
Thực hiện cơ chế rà soát, cập nhật 5 năm 1 lần, vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại văn bản số 1982/VPCP-QHQT.
NDC cập nhật đã xác định những đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam cam kết, phù hợp hơn với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai.
Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
NDC cập nhật năm 2020 xác định, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 được xác định cho các lĩnh vực như sau:
- Nông nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.
- Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các bon, bảo tồn đất.
- Năng lượng: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất và sử dụng năng lượng trong các phân ngành công nghiệp năng lượng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.
- Quản lý chất thải: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.
- Các quá trình công nghiệp: Thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.
Chủ tịch COP26 - Vương quốc Anh đặt kỳ vọng lớn thông qua Hội nghị lần này, cộng đồng quốc tế cam kết và huy động được 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển, đồng thời khuyến khích các quốc gia xác lập chiến lược dài hạn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo NDC cập nhật, Việt Nam cam kết nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.
Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực.
NDC cập nhật đã bổ sung nội dung về “Hài hòa và đồng lợi ích”, phân tích tính hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích đối với việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các ngành và địa phương.
Việt Nam chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 cho LEAF/Emergent
Trước phiên khai mạc COP26, Đoàn Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có buổi ký kết, trao đổi Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF), đại diện là Giám đốc điều hành Emergent Eron Bloomgarden.
Với Ý định thư này, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026.
LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/1 tấn CO2 với tổng giá trị là 51,5 triệu USD. Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.
Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính từ rừng trên quy mô lớn. Ý định thư này tiếp tục đánh dấu sự tiến triển của Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
“Thương mại giảm phát thải từ rừng không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà đã là kế hoạch hành động cụ thể của Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam với LEAF và Emergent với sự hỗ trợ quí báu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ trao đổi Ý định thư.
Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện Ý định thư sẽ góp phần tích hợp giá trị của rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cộng đồng địa phương và đảm bảo an toàn sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
ĐH