| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam kiểm soát tốt bệnh lở mồm long móng trên gia súc

Thứ Ba 15/12/2020 , 15:49 (GMT+7)

Chiều 15/12 tại Hà Nội, Cục Thú y tham dự Hội nghị trực tuyến lần thứ 25 của Tiểu ban phòng chống bệnh LMLM khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Mông Cổ.

Ông Phạm Văn Đông (giữa), Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến lần thứ 25 của Tiểu ban phòng chống bệnh LMLM khu vực Đông Nam Á,Trung Quốc và Mông Cổ. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Phạm Văn Đông (giữa), Cục trưởng Cục Thú y Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến lần thứ 25 của Tiểu ban phòng chống bệnh LMLM khu vực Đông Nam Á,Trung Quốc và Mông Cổ. Ảnh: Nguyên Huân.

Bà Monique Eloit, Tổng Giám đốc Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, bệnh lở mồm long móng (LMLM) là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc, có lịch sử lâu đời, truyền lây qua biên giới, gây tổn thất rất lớn về kinh tế và là rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế.

Trong những năm qua, Tổ chức Thú y thế giới, các tổ chức quốc tế, các nước và các nhà tài trợ đã ủng hộ, tổ chức xây dựng và triển khai Chiến lược phòng, chống bệnh LMLM tại các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Mông Cổ qua 5 giai đoạn (từ năm 1997 - 2020) và dự kiến tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, OIE đánh giá rất cao việc Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia triển khai để kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết, phê duyệt và chỉ đạo triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM qua 3 giai đoạn (từ giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn 2016 - 2020), với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước lên tới hàng triệu đô la mỗi năm.

Trên cơ sở đó, hằng năm, Bộ NN-PTNT đều có nhiều chỉ đạo, đặc biệt trong những năm gần đây đã đề nghị UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch và cấp kinh phí phòng, chống dịch bệnh trên động vật trong đó có bệnh LMLM.

Trên cơ sở đánh giá nguy cơ dịch bệnh, đồng thời để phát triển chăn nuôi hàng hóa, tháng 10/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống giai đoạn 2021 - 2025.  Chương trình được xây dựng với các nội dung, giải pháp phù hợp với khuyến cáo của OIE, do đó, Việt Nam dự kiến sẽ nộp hồ sơ đề nghị OIE xem xét, xác nhận Chương trình này.

Theo ông Phạm Văn Đông, nhờ có chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ Việt Nam và việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả của các địa phương, công tác tiêm phòng vacxin đã được tổ chức liên tục trong nhiều năm qua, công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển cũng có những thay đổi tích cực.

Đặc biệt, thông tin tuyên truyền phòng, chống bệnh LMLM được nhiều địa phương và Trung ương triển khai một cách hiệu quả. Những biện pháp này đã giúp Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, các ổ dịch chỉ xảy ra ở quy mô nhỏ lẻ, số lượng gia súc mắc bệnh ít và các ổ dịch xảy ra đều đã được kiểm soát kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Trong những năm qua Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia triển khai để kiểm soát tốt được dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: TL.

Trong những năm qua Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia triển khai để kiểm soát tốt được dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: TL.

Ngoài ra, nhờ có sự hợp tác, hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Nông lương liên hợp quốc (FAO) và một số quốc gia, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình giám sát và nghiên cứu chuyên sâu để hiểu rõ hơn dịch tễ của bệnh LMLM.

Các cơ quan chuyên môn thú y của Việt Nam đã nghiên cứu, chuyển giao virus phân lập tại thực địa cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh LMLM type O, Type O&A. Đây là một trong những thành công lớn, giúp cho Việt Nam có thể chủ động về nguồn vacxin phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh một cách kịp thời và hiệu quả.

Chính phủ Việt Nam ghi nhận sự những kết quả tích cực từ công tác phối hợp trong phòng, chống bệnh LMLM giữa các quốc gia trong khu vực, sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế và các quốc gia đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do bệnh LMLM gây ra tại khu vực nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

"Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có chung một mong muốn, đó là tiếp tục phát huy những nỗ lực hiện nay, các tổ chức quốc tế, các nước cần cam kết mạnh mẽ, tổ chức triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới để giảm thiểu dịch bệnh lây lan trong khu vực và trên thế giới", ông Phạm Văn Đông chia sẻ tại Hội nghị.

Tại Hội nghị lần thứ 25 này, các chuyên gia của OIE, chuyên gia đại diện các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam đã cũng trao đổi về tình hình dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, đồng thời thảo luận các giải pháp phòng, chống bệnh LMLM, cũng như phương thức để cùng nhau phối hợp triển khai và thực hiện mục tiêu kiểm soát bệnh trong khu vực một cách bền vững.

  • Tags:
Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Gia Lai: Học sinh tử vong khi băng qua đường

Khi băng qua đường, em Đ.V.T (học sinh lớp 4 của Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (xã Đông, huyện Kbang) bị xe khách tông và tử vong tại chỗ.