Sáng ngày 23/5, đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh An Giang để thực hiện khảo sát thực tế vùng dự án ở huyện An Phú và Tri Tôn. Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Sĩ Lâm và Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang Đoàn Ngọc Phả đã chủ trì tiếp và làm việc với đoàn.
Theo đánh giá của Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt các nội dung của dự án. Trong đó, đã tổ chức đào tạo lại chương trình “1 phải 5 giảm” cho 519 nông dân (đã được tập huấn “3 giảm, 3 tăng”) với diện tích 1.135ha tại các xã trong vùng dự án. Đồng thời, tổ chức 3 lớp luân canh (75 nông dân), 2 lớp nhân lúa giống (50 nông dân), 12 lớp về sản xuất lúa VietGAP-SRP (297 nông dân).
Lũy kế từ đầu dự án đến nay, đã tập huấn kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” cho 7.535 nông dân diện tích là 11.521 ha; “1 phải, 5 giảm” cho 15.193 nông dân với diện tích canh tác là 25.242 ha; luân canh 1.712 nông dân/1.884 ha; tận dụng sản phẩm phụ là 1.051 nông dân/1.152 ha; nhân lúa giống là 653 nông dân/712 ha; VietGAP-SRP gần 300 nông dân.
Đến nay, có 5 tiểu dự án đợt 1 và 7 tiểu dự án đợt 2 đã bàn giao cho tổ chức nông dân là Tổ hợp tác, Hợp tác xã và chính quyền địa phương đưa vào sử dụng đã mang lại kết thiết thực cho người dân canh tác lúa. Đối với 10 tiểu dự án đầu tư công được duyệt với tổng kinh phí 147,3 tỷ đồng bao gồm có 9 tiểu dự án chính thức, 1 tiểu dự án dự phòng, Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang đã ký hợp đồng 11/11 gói thầu; có 3 gói đạt 100% tiến độ, 8 gói còn lại sẽ hoàn thành trước 30/6/2022.
Về hoạt động tài chính, tỷ lệ giải ngân đến ngày 23/5/2022 đạt 76,2% so kế hoạch. Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh An Giang đang đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc để đến cuối tháng 5/2022 hoàn thành các gói thầu xây lắp, cuối tháng 6/2022 giải ngân vốn xây lắp đạt 100%.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, trong thời gian qua hơn 5 năm triển khai dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả rất cao cho nông dân trồng lúa, dự án vừa giúp nông dân có thêm nhiều kiến thức trong ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật canh tác lúa. Song song đó nông dân là Tổ hợp tác và Hợp tác xã được Dự án VnSAT hỗ trợ tối đa các điều kiện về cơ sở hạ tầng và trang bị các máy móc nông nghiệp giúp nông dân trồng lúa ngày càng thuận lợi hơn, năng suất và tay nghề của nông dân trồng lúa cũng tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Qua đánh giá các mô hình dự án triển khai, ngành nông nghiệp An Giang đã lồng ghép triển khai xây dựng được chuỗi liên kết giá trị, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng đảm bảo thu nhập, lợi nhuận cho nông dân, bảo vệ môi trường, giúp nông dân ứng phó tốt với thị trường nhiều biến động. Tuy nhiên, diện tích triển khai dự án vẫn còn khiêm tốn so với diện tích canh tác lúa ở An Giang với tổng diện tích canh tác lúa 3 vụ mỗi năm hơn 630.000ha. Nếu được tiếp tục hỗ trợ triển khai Dự án VnSAT, tỉnh An Giang sẽ đối ứng kinh phí để nhân rộng cho nông dân trong thời gian tới.
Theo đánh giá Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới, Dự án VnSAT đang được triển khai tại 8 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL như: Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng) và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên là: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). Riêng An Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL triển khai dự án đạt kết quả tốt. Bên cạnh duy trì Dự án VnSAT, WB đang nghiên cứu hỗ trợ 1 tỉnh (có thể là An Giang) để triển khai sản xuất cân bằng các-bon (đưa chỉ số các-bon về bằng 0), từ đó nhân rộng mô hình giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT