| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã lớn mạnh, trưởng thành nhờ Dự án VnSAT

Thứ Hai 30/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

Với sự đầu tư đồng bộ của Dự án VnSAT về hạ tầng, đào tạo kỹ thuật, kỹ năng điều hành..., năng lực và hiệu quả của các HTX đã được nâng cao rõ rệt.

Tăng niềm tin vào hợp tác xã

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) được triển khai trên địa bàn 30 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Sóc Trăng, gồm: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên, với 29.000 hộ dân tham gia, tổng diện tích 43.000 ha. 

Dự án VnSAT đã đào tạo và hỗ trợ nông dân Sóc Trăng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, cùng với việc chọn lựa những giống lúa thích nghi với điều kiện đất đai, mùa vụ và nhu cầu thị trường. Từ đó, hình thành nên những mô hình canh tác lúa gạo bền vững, giúp nông dân giảm chi phí tương đương 2,3 triệu đồng/ha, gia tăng năng suất trung bình 4,8 tạ/ha, giảm giá thành sản xuất bình quân 620 đồng/kg và nâng cao lợi nhuận gần 49% so với ngoài mô hình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công trình giao thông do Dự án VnSAT đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công trình giao thông do Dự án VnSAT đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, đến nay, tất cả các mục tiêu chính mà Dự án đề ra đều đạt và vượt so với kế hoạch như: Số người hưởng lợi, diện tích áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, tăng lợi nhuận trên diện tích đất trồng lúa (tăng hơn 30% so với trước khi triển khai Dự án), giảm khí phát thải nhà kính…

Tham gia Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân (HTX nông nghiệp) không chỉ được hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng mà còn được tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, mở các lớp tuyên truyền về Luật HTX. Triển khai thực hiện, tỉnh Sóc Trăng đã củng cố và thành lập mới trong vùng Dự án 31 HTX/tổ chức nông dân. Trong đó, chọn các HTX tiên tiến áp dụng tốt “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa, có sản xuất cánh đồng lớn để đầu tư hạ tầng, thiết bị để làm dịch vụ và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Từ đó, đã nâng năng lực hoạt động của các tổ chức nông dân lên tầm cao mới.

HTX Nông nghiệp Phước An (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) là một trong những tổ chức nông dân tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng được chọn tham gia Dự án VnSAT. HTX có 294 thành viên, với diện tích canh tác 523 ha. Hoạt động chính của HTX là sản xuất lúa và một số dịch vụ nông nghiệp khác. Tham gia Dự án VnSAT, HTX Phước An được hỗ trợ các hoạt động đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa bền vững theo hướng hữu cơ, gắn với liên kết tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác kiểm tra ruộng sản xuất lúa trong vùng Dự án VnSAT tại HTX Nông nghiệp Phước Lộc (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn công tác kiểm tra ruộng sản xuất lúa trong vùng Dự án VnSAT tại HTX Nông nghiệp Phước Lộc (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Ảnh: Trung Chánh.

Giai đoạn 2016 - 2020, HTX Phước An được Dự án VnSAT đầu tư cơ sở hạ tầng gồm: Nhà kho tạm trữ, đường giao thông, cùng các trang thiết bị phục vụ sản xuất như máy sấy lúa, máy tách hạt với tổng kinh phí là gần 10,6 tỉ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc Trăng còn hỗ trợ gần 2 tỉ đồng đầu tư đường dây điện phục vụ cho nhà kho và các hoạt động của HTX.

Nhờ áp dụng bài bản các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, cùng sự thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa từ những cơ sở hạ tầng được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư, thành viên HTX Phước An đã đạt lợi nhuận cao hơn khi giảm được giá thành sản xuất, sản phẩm thu hoạch có đầu ra ổn định. 

Giai đoạn đầu tư công 2021 - 2022, HTX tiếp tục được đầu tư kinh phí hơn 7,1 tỉ đồng để thực hiện thêm nhiều công trình, như: Đường giao thông nội đồng, trạm bơm, trạm biến áp, các cống hở...

Năm 2020 - 2021, HTX Phước An xây dựng cánh đồng sản xuất lúa thông minh với diện tích 65 ha nhằm hỗ trợ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình được thực hiện trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến và các thiết bị công nghệ thông minh như công nghệ máy bay phun thuốc, máy gieo sạ cụm... để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và lợi nhuận cho nông dân.

Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đánh giá, những giá trị lợi ích mang lại khi tham gia Dự án VnSAT đã góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của thành viên HTX. Qua đó, tác động đến nhận thức của nông dân khi tự nguyện tham gia HTX để cùng nhau sản xuất lúa gạo với đầu ra ổn định và có lợi hơn sản xuất riêng lẻ.

Hợp đồng kinh tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc HTX, đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, kỹ năng đàm phán thương thảo hợp đồng trong tiếp cận thị trường, qua đó phát huy vai trò kinh tế tập thể trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Thêm nhiều hợp tác xã kiểu mới

Triển khai thực hiện Dự án VnSAT, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu củng cố, phát triển 16 tổ chức nông dân/HTX kiểu mới, mỗi đơn vị có từ 500 ha diện tích canh tác trở lên/500 hộ nông dân. Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, với kinh phí không quá 400.000 USD/HTX.

Đến nay, có 13 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa, với tổng giá trị hơn 90,1 tỉ đổng. Trong đó, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh gần 14 tỉ đồng, vốn tư nhân là 2,8 tỉ đồng, còn lại là vốn IDA vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, trong giai đoạn gia hạn Dự án từ năm 2021 đến tháng 6/2022, tỉnh Hậu Giang còn thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng công với 10 tiểu dự án, gồm: 8 trạm bơm, 6 cống hở, hơn 41km đường giao thông, 12 cầu giao thông và một cống hộp.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra lúa đang lưu trữ trong kho của HTX Nông nghiệp Phước Lộc được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra lúa đang lưu trữ trong kho của HTX Nông nghiệp Phước Lộc được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Lộc (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết, hiện đơn vị có diện tích canh tác 550 ha, với 277 thành viên tham gia. Tham gia Dự án VnSAT, các thành viên HTX đã được đào tạo nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất lúa theo kỹ thuật tiên tiến “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Qua đó, đã nâng cao trình độ canh tác lúa, giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, HTX còn được Dự án VnSAT đầu tư 4 lò sấy lúa với tổng công suất sấy 100 tấn lúa/ngày), 1 nhà kho với sức chứa 1.900 tấn lúa thành phẩm và nhiều trang thiết bị, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất. Tổng số vốn Dự án đã đầu tại đây là 7,9 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn đối ứng của HTX 1,5 tỉ đồng. Hiện tại, HTX Phước Lộc đã đảm bảo năng lực thực hiện đa dạng các dịch vụ cho xã viên như: Sản xuất, cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp, lò sấy và nhà kho chứa lứa, bao tiêu lúa hàng hóa, với doanh số hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Phát huy hết công năng, hiệu quả công trình VnSAT đã đầu tư

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án VnSAT tại tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao năng lực hoạt động của HTX Phước An (Sóc Trăng) và HTX Phước Lộc (Hậu Giang). Đồng thời đề nghị lãnh đạo các HTX cần tiếp tục phát huy tốt các cách làm hiệu quả, để vừa nâng cao mức sống cho thành viên, vừa sản xuất lúa theo hướng an toàn, chất lượng phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương, nhất là các tổ chức nông dân/HTX nông nghiệp là đơn vị thụ hưởng Dự án phải phát huy hết công năng, hiệu quả của các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được Dự án VnSAT đầu tư. Đây đều là những công trình có giá trị đầu tư lớn, từ đó giúp nâng cao năng lực của các HTX, mở rộng dịch vụ phục vụ xã viên, tăng thêm lợi nhuận, lợi tức cho các thành viên tham gia.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.