| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp với các quốc gia châu Phi

Thứ Tư 18/09/2024 , 20:38 (GMT+7)

Chiều 18/9, tại cuộc họp với đoàn Đại sứ châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia châu Phi.

Ngày 18/9, đoàn Đại sứ 11 nước châu Phi đã dành thời gian tới thăm và làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 18/9, đoàn Đại sứ 11 nước châu Phi đã dành thời gian tới thăm và làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ngày 18/9, đoàn Đại sứ 11 nước châu Phi đã dành thời gian tới thăm và làm việc với Bộ NN-PTNT. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, đây là cơ hội để trao đổi và thông tin về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới giữa Việt Nam và châu Phi.

Theo Đại sứ nước Rwanda, nước này nói riêng và các nước châu Phi nói chung rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp, bởi phần lớn dân số sống và làm việc trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Rwanda vào năm 2008, hai nước đã ký kết một Bản Ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Rwanda hi vọng Bộ NN-PTNT Việt Nam tiếp tục hỗ trợ và nhanh chóng triển khai hợp tác về các nội dung của MOU giữa hai nước.

Theo Đại sứ Ghana Florence Buerki Akonor, nền nông nghiệp nước này chiếm phần lớn tỉ trọng kinh tế, trong đó 60% lao động làm việc trên lĩnh vực trồng trọt. Tuy nhiên, Ghana lại chưa đảm bảo được an ninh lương thực (ANLT) và nền nông nghiệp còn thô sơ, lạc hậu.

Cụ thể, Ghana tiêu thụ 1,7 triệu tấn gạo/năm nhưng hằng năm chỉ sản xuất đc 800-900 nghìn tấn, phần còn lại phải nhập khẩu Việt Nam và Thái Lan. Sau đại dịch Covid, Ghana đã nhận ra tình trạng nguy cấp về ANLT và tốn kém quá nhiều chi phí nhập khẩu lương thực. Chính phủ Ghana đã yêu cầu xây dựng chiến lược sản xuất và đảm bảo ANLT, vì vậy, quốc gia này rất hi vọng nhận được sự giúp đỡ từ Việt Nam.

Việt Nam đang được các nước châu Phi coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Việt Nam đang được các nước châu Phi coi là hình mẫu về phát triển nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đồng tình với Đại sứ Ghana, ông Morecome Mumba - Đại sứ Zambia - cũng chia sẻ những lo ngại về ANLT. Đại sứ Morecome Mumba mong muốn khai thác cơ hội thông qua việc kí kết MOU để có thể trồng lúa gạo tại hai đất nước.

Phía Uganda cho biết, cũng như các nước khác, 80% lao động tại Uganda làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, Uganda xuất khẩu sản phẩm khô, chưa qua chế biến nên giá trị còn thấp. Hơn 20 năm qua, Uganda là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng chưa có giá trị cao. Vì vậy, Đại sứ Betty Oyella Bigombe mong muốn Việt Nam sẽ hỗ trợ Uganda trong mở rộng nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ về chuyên gia sản xuất, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản.

Tại cuộc họp, Đại sứ Mauritius, ông Jagdishwar Goburdhun, phát biểu về thực trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu khi sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong trồng trọt. Ông Jagdishwar Goburdhun mong rằng Việt Nam và Mauritius có thể cùng nhau sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn để phát triển nông nghiệp, hướng đến bảo vệ môi trường, đồng thời giảm thiểu tối đa chi phí cho nông dân.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Phạm Ngọc Mậu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Phạm Ngọc Mậu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Về vấn đề hợp tác trong nông nghiệp, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam có thể hợp tác với châu Phi dưới các hình thức như: Phối hợp xây dựng các dự án hợp tác lúa gạo và cây lương thực; cung cấp chuyên gia, vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu và các thương vụ sau khi thu hoạch; hướng dẫn chi tiết, giúp đỡ các nước cho đến khi năng suất ổn định và đi vào ổn định. Ngoài ra, Việt Nam có thể hỗ trợ xây dựng các đề xuất dự án và kêu gọi bên thứ ba tài trợ.

Bên cạnh đó, hai nước có thể xem xét để kí kết Bản ghi nhớ giữa hai bên về hợp tác nông nghiệp. Sau khi có Bản MOU, hai bên cùng nhau chỉ ra đầu mối và xây dựng các đề xuất dự án. Sau đó, sẽ cùng tìm nguồn tài trợ và nguồn kinh phí.

Đối với hợp tác nông nghiệp hữu cơ, Việt Nam đang triển khai thực hiện chương trình Một triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp để đảm bảo được cam kết của Chính phủ tại COP26 và đạt Net Zero 2050.

Về cơ chế chính sách và chiến lược, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đã chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam với các Đại sứ.

Theo ông Thắng, hiện nay, Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp. Để đạt được những thành tựu đó trong thời gian ngắn, Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm đến việc đổi mới chính sách, đặc biệt chính sách đất đai để tạo động lực cho nông dân đầu tư và mở rộng sản xuất.

Ngoài ra, chính sách Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và các chính sách thúc đẩy thương mại trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định FTA để có thể mở rộng thị trường, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất.

Bên cạnh đó, Việt Nam có các chính sách khác nhằm hỗ trợ người sản xuất và doanh nghiệp phát triển (đặc biệt là chính sách về tín dụng, thuế, thủy lợi, KHCN,...). Gần đây, Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, nền sản xuất hướng đến thâm canh nhiều hơn, tăng trưởng dựa vào đầu vào, hướng đến nền kinh tế nông nghiệp xanh và phát thải thấp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia châu Phi. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định, trong thời gian tới, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước châu Phi trong các lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chia sẻ nguồn gen và giống cây trồng.

“Việt Nam có chính sách đào tạo trình độ các lãnh đạo và hệ thống cán bộ khuyến nông từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, khi có nguồn giống mới và kĩ thuật mới được công nhận và đưa vào sản xuất, hệ thống khuyến nông sẽ chuyển giao nhanh chóng đến người nông dân, sớm áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng các cơ quan truyền thông cũng đẩy mạnh tuyên truyền có thể thực hiện ngay vào sản xuất.

Chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy, Việt Nam đã ban hành các quy chuẩn về gạo, trái cây, thủy sản để phục vụ sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Về sản xuất hữu cơ, đã có các nghị định và tiêu chuẩn về sản xuất hữu cơ trên các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Việt Nam cũng tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào và giảm lượng phân bón, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp”, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam và đoàn Đại sứ các nước châu Phi chụp ảnh kỉ niệm. Ảnh: Quỳnh Chi.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT Việt Nam và đoàn Đại sứ các nước châu Phi chụp ảnh kỉ niệm. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm với các quốc gia châu Phi. Nếu có các vấn đề quan tâm khác, các đại sứ có thể liên hệ vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) để sắp xếp lịch và làm việc cụ thể hơn. Thông qua cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị hi vọng những kinh nghiệm này sẽ đóng góp phần nào cho mong muốn mà các đại sứ chia sẻ hôm nay.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...