| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống thiên tai không phải trách nhiệm, mà là bổn phận

Thứ Bảy 22/05/2021 , 07:30 (GMT+7)

Chúng ta thường có tâm lý 'nước đến chân mới nhảy'. Bây giờ phải làm thế nào để chủ động từ khi nước còn chưa đến chân.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT,

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai

Ngàn năm nay, chúng ta sống trong một đất nước có bão lũ, thiên tai thường xuyên và trong thời gian tới với hệ quả của biến đổi khí hậu thì thiên tai còn có thể gay gắt hơn. Nhưng cả ngàn năm nay dân tộc ta đối mặt với thiên tai, chúng ta đã tìm ra cách cấu kết cộng đồng để lấy sức mạnh của cộng đồng phòng ngừa, chống chọi lại thiên tai địch họa. Đó là tố chất, là nét riêng của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử.

Do đó, chúng ta đã có những thích nghi theo từng vùng miền, sống chung với lũ ở ĐBSCL, sống chung với hạn ở miền Trung, sống chung với sạt lở ở trung du, miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, với những diễn biến bất thường của thời tiết, câu chuyện dự báo vẫn chưa bảo vệ được tuyệt đối dù công nghệ đã phát triển rất nhiều.

Do đó, trong thời gian tới dự báo rủi ro phải cụ thể hơn nữa ở những vùng xung yếu. Với những công nghệ số tích hợp trong nhiều năm, chúng ta có thể dự đoán được những khu vực xung yếu, dễ chịu rủi ro khi thay đổi thời tiết, xảy ra thiên tai. Điều đó giúp chúng ta chủ động hơn trong quá trình phòng chống thiên tai.

Chúng ta thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”. Bây giờ phải làm thế nào để chủ động từ khi nước còn chưa đến chân. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm để giảm thiểu, tới mức thấp nhất thiệt hại về người, về của cho bà con.

Thường thiên tai lại thường xảy ra ở những vùng hẻo lánh, vì vậy phải làm sao nâng cao năng lực thích ứng cho chính các cộng đồng. Từ đó, qua quá trình sinh sống, người dân trong khu vực có thể phán đoán được phần nào thiên tai.

Khi đó, kinh nghiệm, nhận thức của cư dân bản địa có thể giúp chúng ta xây dựng được bản đồ về những vùng dễ tổn thương để có những giải pháp, kịch bản phòng ngừa từ xa để khi thiên tai đến chúng ta đỡ bất ngờ hơn.

Nếu kết hợp công nghệ với cộng đồng, năng lực của người dân ở các thôn, bản, vùng dễ bị thiên tai hàng năm, chúng ta có thể xây dựng được những kịch bản cụ thể cho từng khu vực, liên tỉnh, liên huyện, liên xã ở các khu vực này.

Tôi nghĩ, việc phòng chống thiên tai gắn liền với năng lực cộng đồng. Người ta có thể chủ động chằng níu nhà cửa, những người ở khu vực đó chắc chắn sẽ biết cách làm thế nào để giữ được ngôi nhà trong điều kiện thiên tai trung bình. Còn khi đã vượt qua ngưỡng đó, thì phải có sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng ở cấp cao hơn.

Như vậy, khi có các công nghệ viễn thám, dự báo cùng với kinh nghiệm của người dân, như cách nhìn chuồn chuồn bay để phán đoán sự thay đổi của thời tiết, bên cạnh đó là những kỹ năng phòng chống, phục hồi sau thiên tai thì công tác phòng chống thiên tai sẽ có kết quả tốt hơn.

Anh hùng sinh ra từ biến cố, người lãnh đạo ngăn ngừa biến cố xảy ra. Khi biến cố xảy ra, anh hùng sẽ xuất hiện, dẹp loạn và loại trừ biến cố đó nhưng người lãnh đạo phải nhìn thật xa để làm sao biến cố đó không xảy ra hoặc chủ động thích ứng với biến cố đó, giúp chúng ta không phải bị động nữa.

Do đó, phải chú ý đến việc nâng cao năng lực của cộng đồng và năng lực của hệ thống của chúng ta ở từng cấp, nhất là cấp cơ sở. Ví dụ trong mùa bão lũ thì chính quyền các cấp phải ngồi với người dân để xây dựng kịch bản, khảo sát, dự báo những chỗ xung yếu.

Chúng ta kêu gọi người dân có trách nhiệm. Đừng nghĩ thiên tai xảy ra ở đâu đó mà nó xảy ra ở ngay thôn, bản, xóm của mình. Đừng nghĩ cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước mà thờ ơ, cam chịu, phó mặc cho lực lượng phòng chống thiên tai.

Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã làm được công tác truyền thông, nâng trách nhiệm cộng đồng, đưa hướng dẫn các kỹ năng thích ứng với các loại hình thiên tai với người dân. Tuy nhiên, câu chuyện này cần được làm đậm nét hơn, thậm chí phải đưa vào kế hoạch của phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.

Như vậy, chúng ta sẽ chủ động hơn, khi thiên tai xảy ra các địa phương phải biết làm cái gì. Chứ nếu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội chỉ tập trung vào sản xuất, mùa vụ… thì khi thiên tai bất ngờ ập đến có thể xóa sổ toàn bộ nếu chúng ta đề phòng không tốt.

Ví dụ hướng dẫn kỹ năng khi thiên tai xảy ra cho các học sinh, thầy cô để khi đó chủ động đối phó chứ không bị rối, bình tĩnh tìm ra giải pháp khi thiên tai đang hoành hành trong 1 ngày thì thế nào, 3 ngày thì thế nào, 1 tuần thì thế nào... lương thực ở đâu, tiếp tế hậu cần ở đâu, tắc nghẽn đường giao thông ở đâu?…

Tất cả sẽ được chi tiết để ai cũng có thể nắm được từ trưởng thôn trở đi, để có thể tập hợp người dân lại cùng hành động, khi thiên tai xảy ra thì chuyện nào ra chuyện đó, không bị rối. Chứ nhiều khi đông người cũng chưa chắc đã hiệu quả mà còn giẫm chân lên nhau.

Trong tương lai, chúng ta có thể hình thành những đội phản ứng chuyên nghiệp vì nhiều khi thảm họa cần có phương án đối phó chuyên nghiệp với phương tiện, khí tài, kỹ năng riêng. Ví dụ như nước ngoài có Bộ Tình trạng khẩn cấp, khi xảy ra vụ rò rỉ khí độc thì chỉ có các lực lượng đó mới có thể xử lý được. Nếu không có kỹ năng tự bảo vệ mình, những người tham gia cứu hộ có thể tự làm mình bị nguy hiểm.

Các hệ sinh thái tự nhiên bao giờ cũng có sự cấu kết, chống chịu và bảo vệ cho nhau. Nhưng khi bị phá vỡ, hệ sinh thái sẽ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và chúng ta gọi đó là nhân tai.

Thời gian vừa qua, có câu chuyện, các địa phương muốn phát triển nhưng việc cân đối giữa kinh tế và môi trường bị tổn thương là vấn đề không đơn giản. Do đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ tham mưu cho Chính phủ trong tất cả các đề án, dự án kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, Bộ sẽ chỉ đạo trong hệ thống của mình trong việc xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đây là vấn đề khó, với cả Bộ Nông nghiệp-PTNT và các địa phương nhưng nếu chúng ta coi đó là bài toán kinh tế chứ không phải bài toán kỹ thuật, bởi vì nó có thể kéo lùi tăng trưởng của cả một địa phương, không chỉ giảm trong 1 năm mà khiến nhiều năm sau cũng không thể phục hồi, thậm chí làm cho tổn thất ngày càng trầm trọng hơn.

Nếu như đánh đổi nguy cơ rủi ro thiên tai lấy kinh tế, có thể còn gây ra bức xúc xã hội, dẫn đến những hậu quả về trật tự trị an.

Chiến lược xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai là chuyện mà chúng ta phải chuẩn bị ở tầm dài hạn.

Tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình… lãnh đạo địa phương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT nghiên cứu những mô hình sản xuất nông nghiệp để làm sao thích ứng với bão lũ hàng năm. Họ cần chúng ta tìm ra những cây, những con để thích ứng với điều kiện đó, giảm thiểu tổn thương khi xảy ra thiên tai. Ví dụ như dùng các giống ngắn ngày thay thế cho những cây dài ngày để tránh bão.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống Phòng, chống thiên tai, tôi gửi lời tri ân tới các thế hệ lãnh đạo vào các lực lượng không chỉ trong ngành Nông nghiệp – PTNT mà trên cả hệ thống, các lực lượng tham gia cùng với ngành nông nghiệp trong công tác phòng chống thiên tai thời gian qua.

Hiện nay, lực lượng phòng chống thiên tai các cấp vẫn còn nhiều khó khăn, thậm chí đối mặt với nguy hiểm về tính mạng nhưng vẫn vượt qua được.

Cảm ơn các lực lượng công an, quân đội, y tế và chính quyền địa phương đã đồng hành, chung tay với ngành Nông nghiệp- PTNT trong chiều dài hình thành và phát triển của tổ chức phòng chống thiên tai.

Tôi cũng mong rằng mỗi người tiếp tục phải xem phòng chống thiên tai không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận đối với đồng bào, bà con của mình. Trách nhiệm có thể kiểm điểm lẫn nhau nhưng khi là bổn phận thì thấy việc gì cần làm, mỗi người trong xã hội sẽ tự giác chung ta để bảo vệ tính mạng, tài sản, của cải của bà con.

Từ đó, hướng đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Biến ý thức phòng chống thiên tai thành việc làm, phản xạ hàng ngày.

(ghi)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.