| Hotline: 0983.970.780

Vinaconex chối bỏ trách nhiệm về nguyên nhân gây vỡ đường ống nước Sông Đà 18 lần

Thứ Tư 07/03/2018 , 07:05 (GMT+7)

Ngày 6/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với 9 bị cáo tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà". 

* Đường ống “khuyết tật” vẫn thi công

Phần xét hỏi phiên tòa tập trung làm rõ nguyên nhân sự cố vỡ đường ống tới 18 lần.

15-30-37_song-d1
Các bị cáo tại phiên tòa

Trả lời HĐXX về nguyên nhân làm vỡ đường ống nước sông Đà, các giám định viên cho biết, việc tiến hành giám định được thực hiện đúng quy định pháp luật. Theo cơ quan giám định, chất lượng xi măng, gạch, cát tại công trình được kiểm tra, còn đường ống nước thì nhà thầu lại không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến hậu quả trên. Về nguyên nhân vỡ đường ống, giám định viên cho rằng, do áp lực tiến độ, nhà thầu và đơn vị thi công đã dùng ống có “thành ống thi công không đồng đều, có khuyết tật trên bề mặt ống”, theo thời gian, do áp lực nước được bơm mạnh từ nhà máy đến các hộ dân dẫn đến vỡ đường ống nước đến 18 lần…

Trong khi đó, theo cáo trạng, CQĐT Bộ Công an đã trưng cầu Bộ Xây dựng giám định; kết luận giám định và kết luận giám định bổ sung của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kết luận nguyên nhân tuyến ống bị vỡ: "Do sự bất lợi của một số yếu tố trong các giai đoạn sản xuất, thi công lắp đặt tuyến ống. Trong đó, nguyên nhân chính là chất lượng ống được sản xuất không đồng đều (mặt cắt ngang của thành ống có nhiều khuyết tật, rỗ, thiếu cắt nhựa), các mẫu ống được thử nghiệm hầu hết không đạt chỉ tiêu độ cứng vòng, bề mặt ống bị xước và có khuyết tật, đã tạo ra những điểm xung yếu".

Tại phần xét hỏi, HĐXX đã công bố lời khai của ông Phí Thái Bình (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty Vinaconex). Nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội khai dự án cấp nước Sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong đi đầu phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án. Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỉ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Về hiệu quả dự án, theo ông Bình, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng. Còn sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex. Đối với việc lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị, theo lời khai của ông Bình, nhà máy có đủ năng lực sản xuất ra ống phục vụ dự án...

Một cựu sếp lớn khác của Vinaconex, ông Nguyễn Văn Tuân, khi trả lời câu hỏi của HĐXX về việc vì sao thay đổi vật liệu thi công dự án đã khai tại tòa: Sau khi công ty cử đoàn đi khảo sát, đánh giá và dự nhiều hội nghị mới quyết định thay đổi vật liệu làm đường ống từ gang dẻo sang composite cốt sợi thủy tinh. Sự thay đổi này dựa trên cơ sở phân tích đầy đủ hiệu quả và tính năng của vật liệu mới.

Ông Tuân cũng khẳng định, quá trình thực hiện dự án đều đúng quy trình và mong muốn dự án thành công. Liên quan đến việc thay đổi vật liệu khi thực hiện dự án, ông Nguyễn Duy Khang - nguyên Giám đốc Cty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex cho biết, sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh là công nghệ mới và được sản xuất theo các tiêu chuẩn của Mỹ. Khi làm, công ty đã nghiên cứu rất kỹ các tiêu chuẩn về sử dụng các ống cốt sợi thủy tinh cũng như tính toán thiết kế để đáp ứng những tiêu chuẩn để thực hiện dự án. Từ đó, công ty đã đưa ra những tiêu chuẩn về việc sử dụng ống theo tiêu chuẩn ASI/AWWA C950 - 01…

15-30-37_song-d
Thi công đường ống nước Sông Đà

Theo cáo trạng, vật liệu chính của tuyến ống ban đầu được chủ đầu tư dự án lựa chọn dùng ống gang dẻo. Tuy nhiên, sau đó đã được HĐQT Vinaconex quyết định thay đổi bằng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh. Sau khi thay đổi, HĐQT quyết định ban hành các quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án do đơn vị thiết kế dự án là Cty CP Tư vấn xây dựng Vinaconex lập. Trong đó, đã lựa chọn và phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn sản xuất và thử nghiệm ống composite cốt sợi thủy tinh cung cấp cho dự án theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 - 01 của Hiệp hội công trình thủy Hoa Kỳ. Đây cũng là tiêu chuẩn xây dựng mà chủ đầu tư dự án phê duyệt áp dụng trong dự án.

Vinaconex xin xem xét cho cựu cán bộ vì “đầu tiên”

Theo đại diện Vinaconex tại phiên tòa, Dự án nước sạch sông Đà là dự án quy mô lớn, tại thời điểm thực hiện dự án (2004 - 2009) có nhiều việc DN lần đầu tiên làm.

Lần đầu tiên Hà Nội có dự án lớn 1.500 tỷ đồng; dự án xã hội hóa ngành nước đầu tiên; dự án sử dụng ống có đường kính lớn nhất từ trước tới nay (1.500 - 1.800mm); dự án đầu tiên sử dụng nguồn nước mặt, lần đầu tiên sử dụng ống composite cốt sợi thủy tinh... Với nhiều việc “đầu tiên” ở quy mô lớn, đại diện Vinaconex cho rằng việc xảy ra sự cố đáng tiếc khó tránh khỏi.

Trong khi đó, các cán bộ thực hiện dự án hiện đang bị xét xử phần lớn là người làm khoa học kỹ thuật, đã gắn bó 20 - 25 năm ở Vinaconex, đều là các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, thân nhân tốt, không có yếu tố tham ô, tham nhũng cá nhân.

“Vì vậy, mong HĐXX xem xét giải quyết thấu tình đạt lý khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn làm những việc đầu tiên”, đại diện Vinaconex đề nghị.

 

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Mở rộng vụ chuyến bay giải cứu: Thêm 3 cựu Phó Giám đốc Sở hầu tòa

Vụ án 'Chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2, có 3 cựu Phó Giám đốc Sở ở Thái Nguyên, Quảng Nam; 1 cựu cán bộ công an cùng nhiều bị cáo khác hầu tòa.