Sau hơn 1 năm phát động, Ban tổ chức cuộc thi viết “Vườn Quốc gia Cúc Phương 60 năm xây dựng và phát triển” đã nhận được 207 tác phẩm gửi về dự thi, đặc biệt có 16 tác phẩm xuất sắc đoạt giải thưởng. Theo đó, Ban tổ chức đã trao 2 giải nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba; 6 giải Khuyến khích, 2 giải Ấn tượng cho các tác giả.
Các tác phẩm dự thi góp phần quan trọng vào quảng bá hình ảnh Vườn quốc gia Cúc Phương, lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến với đông đảo người dân trong nước và cộng đồng quốc tế…
Nhà văn Đinh Ngọc Lâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đạt giải nhất cuộc thi với Cụm 4 tác phẩm thể loại bút ký, truyện ngắn và thơ chia sẻ: "Quá trình viết rất nhiều cảm xúc, càng đi sâu vào tìm hiểu để viết cảm thấy thiên nhiên đối với con người là vô cùng quan trọng. Trước đây bản thân đã ý thức được rồi nhưng càng viết đến đâu càng yêu thiên nhiên nhiều hơn.
Rừng bao bọc nâng đỡ cuộc sống của con người, yêu rừng không phải chỉ với cảm nhận thông thường của những người đi tham quan du lịch, 1 người dân đến với 1 khu rừng là đây là môi trường sống đảm bảo cho sự sống bền vững nhất trong tương lai của chúng ta mà không thể không có nó được".
Theo bà Phạm Thị Duyên, Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình – Trưởng ban giám khảo Cuộc thi, các tác giả giành nhiều thời gian, tâm huyết và cảm xúc đặc biệt cho Cúc Phương.
Dưới góc nhìn của các tác giả, các tác phẩm phản ánh sâu sắc về hệ giá trị tự nhiên và nhân văn gắn với rừng nguyên sinh Cúc Phương, truyền thống và thành tựu của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Với hệ giá trị đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, Vườn quốc gia Cúc Phương được so sánh ngang hàng với những khu rừng nhiệt đới hàng đầu thế giới. Đây cũng là nơi cư trú lý tưởng của các loài động vật, kể cả con người từ thuở xa xưa.
Là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, theo ước tính, tại Vườn quốc gia Cúc Phương hiện có 2 nghìn 427 loài thực vật; hệ động vật có 669 loài, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Trải qua nhiều triệu năm, trên những dãy núi đã hình thành hàng trăm hang động lớn nhỏ, hàng nghìn lỗ hút và nhiều cửa xả nước tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ của thảm thực vật rừng trên núi đá vôi.
Theo ông Đỗ Văn Lập, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cuộc thi không chỉ phản ánh sâu sắc những hoạt động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Vườn; truyền đi thông điệp về bảo vệ, quản lý rừng bền vững, cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã mà còn góp phần tích cực vào sứ mệnh giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên của Vườn tới công chúng trong và ngoài nước.
Sau 2 vòng sơ khảo và chung khảo, ban giám khảo đã lựa chọn ra được 14 tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi đưa vào cơ cấu giải gộp chung cả 3 thể loại Truyện ngắn, ký và thơ, gồm 2 giải A, 2 giải B, 4 giải C và 6 giải khuyến khích. Ban giám khảo đã đề xuất lên Ban Tổ chức cuộc thi Quyết định trao giải.
Trong đó, 2 giải Nhất thuộc về các tác giả Đinh Ngọc Lâm, Vi Thùy Linh; 2 giải Nhì thuộc về các tác giả Ninh Đức Hậu, Phan Mai Hương; ngoài ra còn các tác giả đạt giải Ba và Khuyến khích.