Trong hành trình 77 năm Lâm nghiệp Việt Nam, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những “bảo tàng sống” về mẹ thiên nhiên đất nước ấy, là kho báu, gìn giữ và phát huy tính đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên; góp phần xây đắp bản sắc Việt Nam và kiến tạo hệ giá trị cảnh quan kì vĩ để làm nên giang sơn gấm vóc.
Trong Hệ thống ấy, có một khu rừng nguyên sinh đặc biệt, thuộc loại hình rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi. Khu rừng ấy đã gây sửng sốt và kinh ngạc cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế vào những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, khi lần đầu khảo sát. Đó là Cúc Phương!
Với hệ giá trị đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, Cúc Phương được so sánh ngang hàng với những khu rừng nhiệt đới hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, ngay trong những năm đất nước còn đang oằn mình giữa công cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 7 tháng 7 năm 1962, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg về việc thành lập Khu rừng cấm Cúc Phương. Với văn bản quy phạm ấy, Cúc Phương trở thành vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Từ sự kiện mang tính cấp tiến ấy trong quản lý nhà nước, đến nay Vườn quốc gia này đã đi trọn một vòng “lục thập hoa giáp”, chứng kiến và đi cùng với những biến thiên của lịch sử dân tộc. Từ Cúc Phương, mô hình quản lý, bảo vệ, nghiên cứu và khai thác du lịch sinh thái nhằm mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được manh nha để hiện nay, trên cả nước đã hình thành một hệ thống, được hoàn thiện về pháp luật, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và góp phần làm nên bản đồ du lịch sinh thái Việt Nam.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp; sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương, hệ thống chính trị các cấp 3 tỉnh (Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình); sự ủng hộ của cộng đồng các dân tộc vùng đệm; sự hợp tác, giúp đỡ chí tình, có hiệu quả của các tổ chức, các đối tác trong nước nước và quốc tế; sự tham gia đầy trách nhiệm vì mẹ thiên nhiên của hàng triệu lượt du khách khắp nơi trên thế giới, Vườn quốc gia Cúc Phương đã được đạt được những thành tựu thực sự tự hào, làm nên truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển.
Ghi nhận những thành tích của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Vườn quốc gia Cúc Phương, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, đồng thời gửi thư chúc mừng nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Vườn.
Được sự cho phép của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2021, Vườn quốc gia Cúc Phương đã, đang tổ chức chuỗi các hoạt động chào mừng thiết thực và sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Vườn và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong suốt 60 năm qua, Vườn quốc gia Cúc Phương luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của quý cơ quan báo chí ở trung ương và các địa phương. Chính sự hỗ trợ quý báu đó, đã lan tỏa rộng rãi về hệ giá trị tự nhiên – nhân văn gắn với rừng nguyên sinh Cúc Phương; kịp thời phản ánh các hoạt động, sự kiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Vườn; truyền đi thông điệp về bảo vệ, quản lý rừng bền vững, cứu hộ bảo tồn và góp phần tích cực vào sứ mệnh giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên của Vườn tới công chúng trong và ngoài nước. Xin gửi lời trân trọng cảm ơn quý cơ quan báo chí, truyền thông về sự quan tâm, hỗ trợ Vườn trong suốt hành trình đó. Chúng tôi tin tưởng rằng, Vườn quốc gia Cúc Phương sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của quý cơ quan trong hành trình phía trước!
Vườn Quốc gia Cúc Phương
Vườn được xây dựng với chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan; duy trì tác dụng phòng hộ của rừng; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ môi trường sinh thái và giáo dục môi trường.
Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m.
Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận: 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài Thú, 337 loài Chim, 80 loài Bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài Cá.
Trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 03 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương.
Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.