| Hotline: 0983.970.780

Vinh danh nông sản, thực phẩm đạt OCOP 4 sao

Thứ Sáu 30/06/2023 , 21:44 (GMT+7)

TP.HCM Tối 30/6, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP.HCM có 66 sản phẩm đạt OCOP

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các xã, huyện xây dựng nông thôn mới, mà còn là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương. Chính vì vậy, cần phải có sự chung tay, hỗ trợ phát triển Chương trình của các Sở ngành liên quan.

"Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt, sự chủ động, tích cực hưởng ứng, sự sáng tạo, nghiên cứu tìm tòi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình OCOP đã tạo nên sự đa dạng về nhóm, về thể loại của sản phẩm OCOP TP.HCM", Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đánh giá.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 và 4 sao của UBND TP.HCM cho 11 chủ thể. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam và bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 và 4 sao của UBND TP.HCM cho 11 chủ thể. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sau 9 tháng triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo Quyết định số 1943 của UBND TP.HCM về Đề án OCOP trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đã có những bước tiến nổi bật, đáng kể.

Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP được mở rộng ra trên địa bàn toàn Thành phố, từ đó thu hút nhiều chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất kinh doanh) tham gia Chương trình OCOP; các Sở ngành, phòng ban chức năng của Sở NN-PTNT TP.HCM, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tích cực triển khai.

6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có 39 sản phẩm được công nhận (thuộc 11 chủ thể) đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 15 sản phẩm 4 sao và 24 sản phẩm 3 sao.

Chương trình OCOP TP.HCM giai đoạn 2019 - 2020 tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Năm 2021, TP.HCM có 11 chủ thể với 27 sản phẩm được công nhận (21 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm 3 sao) và 1 sản phẩm đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận 5 sao). Nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn thành phố là 66 sản phẩm.

Nhiều lợi thế khi tham gia OCOP

Là một trong những đơn vị hai năm liền có sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết, để đạt chứng nhận OCOP, các sản phẩm của đơn vị phải trải qua các bước đánh giá bài bản toàn diện từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khu chế biến sản xuất, đầu ra thành phẩm bởi nhiều cấp đánh giá (huyện, tỉnh và Trung ương) với hội đồng đánh giá chuyên nghiệp gồm nhiều ngành: y tế, công thương, tài chính, môi trường…

Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ đen và tinh bột nghệ vàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ đen và tinh bột nghệ vàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Riêng sản phẩm OCOP hạng từ 4 sao trở lên phải có những chứng nhận hệ thống quản lý tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO...”, ông Vũ nói và cho biết thêm năm 2021, Xuân Nguyên có 2 sản phẩm đạt 4 sao là mật ong rừng sữa ong chúa và viên Hà thủ ô 5 trong 1; năm 2022 với 4 sản phẩm đạt 4 sao gồm mật ong nhân sâm, mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ đen và tinh bột nghệ vàng.

Theo ông Vũ, đơn vị đã đầu tư bài bản ngay từ đầu, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc công nghệ hiện đại cùng đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao, đặc biệt là vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng nhằm tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và chung tay xây dựng nền kinh tế nông nghiệp nông thôn thịnh vượng.

Vui mừng khi doanh nghiệp có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao trong đợt vinh danh lần này, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (Meet More) chia sẻ, tham gia vào chương trình OCOP giúp các doanh nghiệp có nhiều lợi thế, nhiều ý nghĩa, giúp đi đúng hướng về sự phát triển chung của các sản phẩm cho các doanh nghiệp chế biến sâu.

“Trái cây Việt Nam rất phong phú, vì vậy với mục tiêu mong muốn đưa nông sản Việt ra toàn thế giới, chúng tôi đã kết hợp cà phê với nông sản đặc trưng của Việt Nam như dừa, đậu xanh, trái nhàu, khoai môn... để tạo ra những sản phẩm chủ lực để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế”, ông Luận nói.

Cũng trong buổi lễ đã diễn ra lễ ký kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa các hệ thống phân phối sản phẩm Satra, Mega Market, Tập đoàn Central Retail với các chủ thể OCOP.

Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (Meet More) có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (Meet More) có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX thương mại dịch vụ rau sạch GAP (Hóc Môn) có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là rau cải thìa Rasafood. Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX thương mại dịch vụ rau sạch GAP (Hóc Môn) có 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là rau cải thìa Rasafood. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện Chương trình này.

Việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, khi triển khai thành công sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.