| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối quanh Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc

Thứ Ba 28/05/2024 , 10:00 (GMT+7)

Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc hiện đang gặp nhiều khó khăn và không thể đảm bảo tiến độ theo hợp đồng ký kết.

Một góc hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Một góc hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Vì sao chủ đầu tư liên tục điều chỉnh giá thầu dự án hồ Đầm Vạc?

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc là hợp phần 1 trong Dự án Đô thị xanh Vĩnh Yên có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 73,3 triệu USD, còn lại là nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiệp định vay vốn được ký từ ngày 29/6/2018 và có thời hạn 5 năm.

Sau khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt thực hiện, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (VPMO) được giao làm chủ đầu tư và đứng ra làm các thủ tục đấu thầu. Điều đáng nói là trước khi mời thầu, gói thầu VY-CW01 trải qua quá trình điều chỉnh khá dài.

Cụ thể, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được VPMO công bố lần đầu ngày 29/5/2020, giá gói thầu là 158,954 tỷ đồng. Tuy nhiên đến tháng 10/2021 chủ đầu tư đã điều chỉnh cập nhật lên 169,832 tỷ đồng và đến lần công bố kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh ngày 31/12/2021 thì giá gói thầu đã tăng lên 178,015 tỷ đồng.

Kết quả, nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân - Công ty CP Xây dựng Minh Dũng, với giá 177,186 tỷ đồng. Mức tiết kiệm so với giá mới thầu chỉ chưa đến 100 triệu đồng.

Theo kế hoạch và hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công, gói thầu sẽ được triển khai thi công trong thời gian 18 tháng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2023. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai thực hiện đến nay dự án này đã nhiều lần chậm tiến độ.

Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư: Dự án được khởi công tháng 1/2023, tiến hành nạo vét lòng hồ Đầm Vạc trong phạm vi 60 ha khu vực phía Tây, nằm trong ranh giới giữa đường Kim Ngọc - cầu Đầm Vạc và đường Vĩnh Yên. Đồng thời, tiến hành kè hồ và xây dựng tuyến đường dạo dài 3,2km để chống tái lấn chiếm, tăng khả năng trữ nước, từng bước giải quyết vấn đề tiêu thoát nước của tỉnh Vĩnh Phúc. Tạo ra không gian mới cho người dân vui chơi, giải trí, hướng tới phát triển kinh tế xanh cho thành phố Vĩnh Yên...

Hồ Đầm Vạc nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Nam Khánh.

Hồ Đầm Vạc nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Nam Khánh.

“Sau 14 tháng thi công, khối lượng thi công trên công trường dự án mới đạt khoảng 40 tỷ đồng, chiếm 22,5%. Trong đó, có khoảng 20 tỷ đồng hoàn thành sau ngày 29/6/2023, là hạn cuối theo chủ trương đầu tư được duyệt và vẫn chưa thanh toán được dẫn tới nhà thầu thi công cầm chừng”, thông tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Cũng theo chủ đầu tư, điều này dẫn đến dự án có nguy cơ không hoàn thành theo hợp đồng. Nguyên nhân của việc chậm trễ được xác định là do còn 10 hộ dân trong phạm vi dự án không đồng ý nhận tiền bồi thường theo đơn giá của nhà nước, với tổng diện tích khoảng 0,28 ha. Hơn nữa, mùa mưa đã bắt đầu khiến việc thi công phần nạo vét, kè hồ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra còn có lý do khách quan là hiệp định vay với ADB đã hết hạn và chưa được ký lại nên chủ đầu tư không có cơ sở để thanh toán khối lượng thi công cho nhà thầu. ‘Đến thời điểm hiện tại, việc thi công trên công trường phụ thuộc vào tiềm lực tài chính của các nhà thầu, tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các nhà thầu có thể sẽ dừng thi công khiến dự án có nguy cơ không hoàn thành theo hợp đồng”, chủ đầu tư khẳng định.

Để tháo gỡ khó khăn, VPMO đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình, thủ tục, hồ sơ để trình HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án làm cơ sở để xin gia hạn hiệp định vay vốn. UBND thành phố Vĩnh Yên cũng đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện cưỡng chế, thu hồi phần đất còn lại giao cho chủ đầu tư.

Tình trạng lấn chiếm gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Tình trạng lấn chiếm gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Đầu tháng 5 vừa rồi, tại buổi kiểm tra thực tế hiện trạng, cảnh quan hồ Đầm Vạc, sau khi nghe báo cáo về hiện trạng, tình trạng lấn chiếm, vi phạm diện tích hồ, công tác quản lý, xử lý vi phạm, ngăn ngừa lấn chiếm; việc giao đất triển khai một số dự án xung quanh hồ; tiến độ triển khai Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc…, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đã yêu cầu UBND thành phố Vĩnh Yên và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung làm tốt công tác quản lý, bảo vệ hồ, ngăn ngừa, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, vi phạm diện tích hồ…

Ông Dương Văn An chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan Đầm Vạc được thực hiện theo đúng cam kết, hướng tới mục tiêu cải tạo Đầm Vạc trở thành lá phổi, nét độc đáo riêng có của thành phố Vĩnh Yên và là biểu tượng, cảnh quan tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân...

Dấu hỏi về năng lực nhà thầu Minh Anh

Đáng chú ý, đứng đầu liên danh thực hiện Dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan hồ Đầm Vạc là Công ty CP Xây dựng Minh Anh, doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu do Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Hầu hết các dự án trăm tỷ đồng do VPMO và liên danh của Công ty CP Xây dựng Minh Anh ký hợp đồng thực hiện đều có vấn đề.

Điển hình như Gói thầu CW01 thi công kênh hút từ ĐT.303 và hồ điều hòa trạm bơm Nguyệt Đức được VPMO ký trúng thầu cho Liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh và Công ty Cổ phần xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương trúng thầu với giá hơn 116,568 tỷ đồng.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên vào tháng 4/2021, thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 12 tháng, tuy nhiên sau đó đã quá thời hạn hàng năm trời mà gói thầu nói trên vẫn chưa hoàn thành.

Nhiều vấn đề nhức nhối quanh các dự án của Công ty CP Xây dựng Minh Anh ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Nam Khánh.

Nhiều vấn đề nhức nhối quanh các dự án của Công ty CP Xây dựng Minh Anh ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Nam Khánh.

Công ty CP Xây dựng Minh Anh còn đứng đầu liên danh Minh Anh - 473 - Thanh Hóa trúng tiếp gói thầu do VPMO làm chủ đầu tư là Dự án CW07 xây dựng tuyến kênh hút Nguyệt Đức và nạo vét hồ Sáu Vó của dự án với giá trị hơn 210,252 tỷ đồng. Liên danh với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thủy điện trúng thầu gói thầu CW 05 thi công điều tiết Lạc Ý, Vĩnh Sơn và nạo vét sông Phan với giá hơn 92,368 tỷ đồng…

Tất cả đều có chung kịch bản, trúng thầu dự án do VPMO làm chủ đầu tư với giá trị tiết kiệm thấp và không đáp ứng được tiến độ và thời hạn hoàn thành như hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, liên danh Công ty CP Xây dựng Minh Anh và Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Hoàng Dân cũng được VPMO lựa chọn thực hiện Gói thầu VY-CW04 Cung cấp và lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải thuộc Hợp phần 2 Thoát nước và xử lý nước thành phố Vĩnh Yên giai đoạn II. Giá trúng thầu là 108,191 tỷ đồng trong khi giá gói thầu chỉ là 106,693 tỷ đồng.

Tìm hiểu thêm chúng tôi cũng được biết, Công ty CP Xây dựng Minh Anh được thành lập vào ngày 26/6/2006, địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Kiện Khê I, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Theo thông tin công bố rộng rãi thì Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là ông Phạm Hồng Minh (sinh năm 1977) còn Tổng giám đốc là ông Nguyễn Đức Quyền (sinh năm 1979).

Quá trình thực hiện dự án, Công ty CP Xây dựng Minh Anh từng bị Bộ NN-PTNT “cấm cửa”, tạm dừng tham gia các gói thầu do không đáp ứng được yêu cầu.

Cụ thể, vào năm 2021, tại văn bản công bố đánh giá năng lực nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do Bộ NN-PTNT quản lý, Công ty CP Xây dựng Minh Anh đã bị kết luận không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ đề ra.

Công trình vi phạm ở hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Công trình vi phạm ở hồ Đầm Vạc. Ảnh: Nam Khánh.

Bao gồm: Gói thầu số 27, dự án sửa chữa nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà làm chủ đầu tư. Gói thầu số 07 thi công xây dựng công trình, dự án Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội - Xuân Phổ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Gói thầu 07-XL, dự án hồ chứa nước Ia Mơr do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư…

Với những vấn đề phân tích ở trên, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc làm rõ năng lực của Công ty CP Xây dựng Minh Anh, để sớm hoàn thành các dự án do doanh nghiệp này thi công.

Ai đang xẻ thịt hồ Đầm Vạc?

Mặc dù được ví là lá phổi xanh của Vĩnh Phúc, tuy nhiên do quản lý hạn chế nên thời gian qua hồ Đầm Vạc liên tục bị xẻ thịt. Qua rà soát trên địa bàn phường Đống Đa có 5 trường hợp tại xóm Đảo đã tự ý lấn chiếm, cơi nới sử dụng trên 1.000m2 nằm trong quy hoạch mốc giới kè hồ Đầm Vạc để làm chuồng trại chăn nuôi và trồng một số cây ăn quả. Ở xã Thanh Trù có 7 trường hợp lấn chiếm sử dụng khoảng 1,9 ha diện tích mặt nước ven hồ Đầm Vạc để nuôi trồng thủy sản từ trước những năm 2004…

Mới đây nhất, Công ty CP Tập đoàn Sản xuất thép Việt Đức đã phải bàn giao 2.377,8m2 đất sử dụng trái phép ven hồ Đầm Vạc ở thành phố Vĩnh Yên cho địa phương quản lý.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.