| Hotline: 0983.970.780

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định trách nhiệm vụ sập kè sông Phó Đáy

Thứ Hai 08/01/2024 , 05:59 (GMT+7)

Tư vấn thiết kế chưa lường hết các yếu tố bất lợi như biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận...

Sự cố nghiêm trọng ở dự án gần 20 tỷ đồng trên sông Phó Đáy, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh. 

Sự cố nghiêm trọng ở dự án gần 20 tỷ đồng trên sông Phó Đáy, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh. 

Tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông báo kết quả giám định nguyên nhân sự cố thuộc công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.

Theo thông báo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công trình nói trên thuộc cấp IV, nhóm C do Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế là Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Phúc. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần ĐTXD và phát triển Phú Thành An và Công ty TNHH thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh. Trong khi đó, Trung tâm kiểm định, giám sát công trình NN - PTNT Vĩnh Phúc làm tư vấn giám sát, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không là đơn vị bảo hiểm công trình.

“Thông báo kết quả giám định này được ban hành trên cơ sở báo cáo của Sở NN – PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, biên bản làm việc giữa các cơ quan liên quan, ý kiến của Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc”, văn bản do ông Tạ Đức Đại, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký thể hiện.

Về diễn biến của sự cố sập kè sông Phó Đáy, như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh, đây là dự án nhằm kịp thời ngăn chặn hiện tượng sạt lở diễn tiến rất mạnh, đảm bảo an toàn cho Đền Mẫu xã Sơn Đông, tuyến đường dân sinh, tuyến đường dây truyền tải điện 220KV và tài sản, tính mạng của người dân gần khu vực sạt lở. Chính vì vậy UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có những quyết định về việc phê duyệt kinh phí đầu tư dự án gần 20 tỷ đồng và giao cho Ban Quản lý dự án NN – PTNT tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.

Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, từ tháng 11 đến hết tháng 12/2022, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc đã ký một loạt các quyết định chỉ định thầu phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thi công xây lắp, tư vấn giám sát thi công… để triển khai thực hiện dự án Xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II. Theo đó, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An - Công ty TNHH Thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh được chỉ định thầu thi công xây lắp với giá tạm tính hơn 16,232 tỷ đồng. Trung tâm kiểm định, giám sát công trình NN - PTNT Vĩnh Phúc được chỉ định thầu gói thầu tư vấn giám sát thi công với giá gần 400 triệu đồng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi thực hiện xây dựng dự án cấp bách chống sạt lở, người dân chưa kịp vui mừng vì dự án chuẩn bị được nghiệm thu, bàn giao thì công trình này đã xảy ra sự cố.

Người dân chưa kịp vui mừng vì dự án chuẩn bị được nghiệm thu, bàn giao thì công trình này đã xảy ra sự cố. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân chưa kịp vui mừng vì dự án chuẩn bị được nghiệm thu, bàn giao thì công trình này đã xảy ra sự cố. Ảnh: Hoàng Anh.

Cụ thể, trong đợt mưa lớn từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 6 năm 2023, toàn bộ các hạng mục công trình kè xây dựng mới khu vực Đền Mẫu đã sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng. Phần tường chắn bằng bê tông cốt thép đã bị xô đổ hoàn toàn, khu vực sân phía ngoài đền bị sụt lún, hệ thống lan can, sàn bê tông gãy vỡ nghiêm trọng.

Kết quả giám định của cơ quan chức năng khẳng định, nguyên nhân khách quan của sự cố này là do tác dụng gây rung động trong khu vực dòng chảy khi bị cản trở bởi công trình nằm ngang sông tại bến phà Phúc Hậu cũ, tải trọng này làm giảm sức kháng cắt gây ra chuyển vị và có thể dẫn đến mất ổn định mái sông.

Cùng với đó là sự biến đổi về cấu trúc địa chất và các đặc trưng cơ học trong đó nổi bật là lớp đất yếu 5b phân bố rộng hơn, chỉ tiêu cơ lý tổng hợp chung của số liệu giai đoạn kiểm định giảm so với giai đoạn thiết kế có sự khác nhau, không đồng nhất. Các lớp đất yếu có đặc tính hoá lỏng làm suy giảm mãnh liệt sức kháng cắt dưới tác dụng của tải trọng động. Các nguyên nhân này đã được minh chứng bằng định lượng thông qua các kết quả tính toán ổn định công trình do đơn vị tư vấn kiểm định thực hiện.

Sự cố sập kè sông Phó Đáy uy hiếp Đền Mẫu và Cây Đề di sản. Ảnh: Hoàng Anh.

Sự cố sập kè sông Phó Đáy uy hiếp Đền Mẫu và Cây Đề di sản. Ảnh: Hoàng Anh.

Cũng theo thông báo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân khách quan phụ của sự cố là do địa hình của lưu vực sông Phó Đáy rất dốc so với các lưu vực sông lân cận, kết hợp với địa hình đáy sông Lô tại khu vực cửa ra sông Phó Đáy thấp nên lũ trên sông Phó Đáy mặc dù lên nhanh nhưng cũng rút nhanh gây xói lở mất an toàn bờ sông. Mưa dài ngày tại khu vực dự án nên đất bão hoà nước ảnh hưởng đến kết cấu ổn định của đất.

Đường quan hệ giữa độ sâu mực nước và lưu lượng phía thượng lưu của Đền Mẫu, cho thấy việc xây dựng kè bảo vệ bờ đã làm tăng mực nước với cùng cấp lưu lượng tại đoạn sông này. Khả năng thoát lũ của đoạn sông phía hạ lưu Đền Mẫu tốt hơn nhiều so với đoạn sông phía thượng lưu. Với cùng một cấp lưu lượng, mực nước tại mặt cắt tại khu vực kè Phú Hậu, kè Việt Xuân dâng lên nhiều so với mực nước tại khu vực hạ lưu phà Phú Hậu. Thời điểm xảy ra sự cố, ứng với mực nước khu vực kè Phú Hậu, kè Việt Xuân đạt khoảng 5m, vận tốc dòng chảy trên sông đạt khoảng 5,6m/s, gây bất lợi cho lòng sông và bờ sông.

Dòng chảy xiết và rối xảy ra cục bộ trong đoạn sông ở khu vực bến phà Phú Hậu cũ chủ yếu do ảnh hưởng các công trình lân cận làm dòng chảy bị ngăn cản, thu hẹp cục bộ của mặt cắt ướt kết hợp với bất lợi về hình thế dòng chảy (phía lõm của đoạn sông cong) và năng lực thoát lũ nhanh tại cửa ra tiếp giáp với sông Lô.

Ngoài ra, do mực nước ngầm, tác động của Cây Đề tán rộng và to khi gặp gió lớn rung lắc ảnh hưởng đến kết cấu của đất (do địa chất rất nhạy với tải trọng động). Việc mở móng và bơm nước vào hố móng khi thi công công trình phụ phía hậu cung Đền Mẫu cũng là một tác nhân gây bất lợi.

Về nguyên nhân chủ quan của sự cố sập kè sông Phó Đáy, theo thông báo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là do tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi tại khu vực công trình như: biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận. Giải pháp thiết kế thiên về yêu cầu kinh tế, dự trữ an toàn về kỹ thuật ở mức vừa đủ theo yêu cầu và đơn vị thi công chưa đảm bảo được độ đồng nhất của kết cấu, có sự chênh lệch về cường độ bê tông tại các vị trí lấy mẫu…

Nguyên nhân chủ quan là do tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi tại khu vực công trình như: biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận. Ảnh: Hoàng Anh.

Nguyên nhân chủ quan là do tư vấn thiết kế chưa lường hết được các yếu tố bất lợi tại khu vực công trình như: biến động địa chất, địa hình, ảnh hưởng chế độ dòng chảy do các công trình lân cận. Ảnh: Hoàng Anh.

Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân

Cũng theo thông báo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, việc phân định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố trên sông Phó Đáy được thực hiện sau khi Sở NN - PTNT tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định nguyên nhân để xảy ra sự cố là nguyên nhân tổng hợp gồm đa số là yếu tố khách quan và một phần yếu tố chủ quan, do vậy trách nhiệm khắc phục thuộc về các chủ thể tham gia dự án. 

Tại thời điểm xảy ra sự cố công trình chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, căn cứ theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị bảo hiểm công trình, giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công và hồ sơ quản lý chất lượng của chủ đầu tư cung cấp và báo cáo kiểm định phục vụ xác định nguyên nhân sự cố của đơn vị tư vấn kiểm định thì trách nhiệm khắc phục sự cố công trình thuộc về nhà thầu thi công, đơn vị bảo hiểm công trình. 

"Trách nhiệm liên đới trong việc chỉ đạo khắc phục gồm chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án NN - PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, nhà thầu khảo sát xây dựng và thiết kế, tư vấn giám sát...", thông báo của tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan có trách nhiệm khắc phục sự cố công trình, chịu trách nhiệm về các thiệt hại do sự cố công trình gây ra, chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan đến giải pháp khắc phục và khắc phục tạm thời trong quá trình khắc phục sự cố công trình và tháo dỡ công trình, hạng mục công trình mất an toàn...

Khẩn trương đưa ra giải pháp thiết kế xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đồng thời đảm bảo an toàn cho khu vực Đền Mẫu và Cây Đề. Ảnh: Hoàng Anh.

Khẩn trương đưa ra giải pháp thiết kế xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đồng thời đảm bảo an toàn cho khu vực Đền Mẫu và Cây Đề. Ảnh: Hoàng Anh.

Về hạng mục xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực Đền Mẫu (từ cọc A34 đến cọc A142) mất an toàn cần phải phá dỡ thu dọn để đảm bảo an toàn cho người tài sản và công trình lân cận. Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm định trên cơ sở các nguyên nhân sự cố đã đánh giá khẩn trương đưa ra giải pháp thiết kế xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đồng thời đảm bảo an toàn cho khu vực Đền Mẫu và Cây Đề. Đơn vị thi công tập trung nhân vật lực để tổ chức triển khai thi công sau khi phương án xử lý được chủ đầu tư chấp thuận.

"Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành thông báo, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện nội dung thông báo đảm bảo quy định và đảm bảo chất lượng công trình bền vững", văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện. 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.