Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, trong 8 tháng đầu năm 2023 Vĩnh Phúc thu hút được 17 dự án FDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn, nâng tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm lên trên 445 triệu USD, đạt 171% so với cùng kỳ năm 2022 và 127% kế hoạch năm 2023; thu hút 9 dự án DDI và 4 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm gần 5.700 tỷ đồng, đạt 189% so với kế hoạch năm 2023.
Tính riêng trong tháng 8/2023, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 5 dự án, trong đó có 4 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 14,1 triệu USD và 01 dự án DDI với vốn đầu tư đăng ký 243,59 tỷ đồng. Đồng thời, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 7 lượt dự án với 6 dự án FDI đầu tư đăng ký tăng thêm 13,24 triệu USD và 1 dự án DDI với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm trên 321 tỷ đồng. Tính đến 15/8, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu công nghiệp của tỉnh là 467 dự án, gồm 106 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng; 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD.
Để thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp.
Trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sự minh bạch và tính ổn định trong chính sách đầu tư; rà soát, bổ sung các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các ngành có tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong đó, tập trung vào những doanh nghiệp đầu tư những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, trao đổi, tư vấn qua đường dây nóng để tiếp nhận phản hồi và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn; giải quyết đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp...