Trường học được xây dựng khang trang ở Vĩnh Tường
Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 là chương trình lớn, được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện. Vĩnh Tường là một trong những huyện sớm của tỉnh Vĩnh Phúc, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Với mục tiêu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với các xã đạt chuẩn “Tạo diện mạo mới cho nông thôn” xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh, phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông thôn, đến năm 2017, Vĩnh Tường sẽ trở thành huyện NTM và đến năm 2018 có 26/26 xã, tức là 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Vĩnh Tường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình NTM trên địa bàn huyện, giai đoạn 2011 - 2020.
Theo đó, xây dựng nông thôn Vĩnh Tường có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất (SX) hợp lý. Xây dựng nền nông nghiệp SX hàng hóa chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ.
Môi trường thân thiện
Việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện được phát triển đồng bộ ở các xã và trên quan điểm chọn các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Ưu tiên thực hiện các tiêu chí không cần hoặc ít cần kinh phí.
Phấn đấu đến hết năm 2016, toàn huyện hoàn thành các tiêu chí: Quy hoạch, điện, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, văn hóa, hình thức SX, hệ thống chính trị - xã hội, an ninh trật tự.
Huyện đã đề ra mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2016 có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Đến năm 2017 có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM. Và đến năm 2018, có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Nhiệm vụ của năm 2016, đối với các xã đã hoàn thành xã NTM như Vĩnh Sơn, Việt Xuân, Vĩnh Thịnh, Phú Thịnh, Yên Bình… thì tập trung chỉ đạo sát sao để thi công các công trình của những tiêu chí chưa hoàn thành, tuyên truyền tới từng hộ gia đình để vận động các hộ nông dân hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, nghĩa trang nhân dân…
Với các xã còn lại, tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã và các ban phát triển nông thôn. Tập trung chỉ đạo theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Đặc biệt phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Nhờ phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, trong 5 năm qua, nhân dân các xã đã hiến 105.549m2 đất nông nghiệp, 1.156m2 đất thổ cư, 7.651 ngày công lao động, 11.300,55 triệu đồng…
Chăn nuôi phát triển ở Vĩnh Tường
Với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”, Vĩnh Tường đã huy động được các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn thu tại địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không hỗ trợ của Nhà nước.
Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng bảo đảm công khai, minh bạch.
Việc huy động nguồn lực trong dân theo nhiều hình thức: Đóng góp trực tiếp bằng công sức, tiền của vào các công trình cộng đồng, cải tạo, nâng cấp nơi ở, công trình vệ sinh, cải tạo vườn, ao, cổng, ngõ…
Với quyết tâm cao, được sự đồng thuận của người dân, sự cố gắng bền bỉ, đến nay nông thôn ở Vĩnh Tường đã thay đổi nhiều. Một diện mạo mỗi ngày tươi mới, khang trang đang hiện hữu trên đất Vĩnh Tường.
Nên chăng xem xét, điều chỉnh lại cơ chế hỗ trợ đối với tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Hiện nay đang thực hiện chính sách hỗ trợ đồng đều mỗi xã 1,4 tỷ đồng (nghĩa trang nhân dân 0,6 tỷ đồng, rãnh thoát nước thải 0,8 tỷ đồng) trong khi thực tế có xã trên 10 thôn (10 nghĩa trang) có xã chỉ có 3 - 4 thôn (1 - 3 nghĩa trang). Việc phân bổ vốn theo kiểu “đổ đồng” như trên, không bảo đảm tính công bằng giữa các xã. |