| Hotline: 0983.970.780

Vịt bầu Quỳ Châu trên đà hồi sinh mạnh mẽ

Chủ Nhật 22/05/2022 , 09:47 (GMT+7)

Có lúc đứng trước nguy cơ dần mai một, nay giống vịt bầu Quỳ Châu trứ danh đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ…

Vịt bầu Quỳ Châu là giống quý, cần phải được bảo tồn theo hướng bền vững nhất. Ảnh: Việt Khánh.

Vịt bầu Quỳ Châu là giống quý, cần phải được bảo tồn theo hướng bền vững nhất. Ảnh: Việt Khánh.

Từ lâu, vịt bầu được biết đến là đặc sản trứ danh của đất Quỳ Châu (Nghệ An), vì nhiều nguyên do giống vịt quý dần mai một và có lúc đứng trước nguy cơ biến mất, đó thực sự là điều đáng lo ngại nơi dãy đất Phủ Quỳ màu mỡ. Từ thực tế đặt ra, việc khôi phục và phát triển con giống đặc sản là nhiệm vụ cấp bách.

Qua ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, vịt bầu Quỳ Châu có nguồn gốc từ xa xưa để lại, thế nhưng vì tiềm lực hạn hẹp cũng như đáp ứng thị hiếu của số đông, người nuôi thường lựa chọn phương thức lai tạp với các giống vịt khác. Thói quen “ăn xổi” kéo dài mải miết tức thì kéo theo hệ lụy, dần dà “cướp” đi tính thuần chủng vốn có của giống vịt quý.

Để khôi phục không phải là chuyện giản đơn, nếu không muốn nói là vô cùng khó nhằn. Trước tiên phải chọn lọc bộ giống phù hợp, không lai tạp, thời gian ươm mầm, theo dõi, đánh giá, chọn lọc kéo dài nhiều năm. Nói chung, ngoài lưng vốn đầy đặn, nhất thiết phải có đam mê thực sự mới mong thu về thành quả tương xứng.

Những người trong nghề quả quyết, nuôi dưỡng vịt bầu khá tốn kém, riêng chi phí thức ăn cho một đàn 500 con hết khoảng khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Ăn nhiều nhưng đẻ ít, bình quân mỗi con chỉ sinh sản từ 70 - 100 trứng/năm, sản lượng con giống thấp kéo giá con giống lên cao, duy trì ổn định từ 18.000 -  20.000 đồng/con. Nhìn chung nuôi vịt bầu không dễ, bù lại nếu nắm vững quy trình, biết tận dụng thị trường thì mô hình này vẫn cho thấy những tín hiệu khả quan.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, ông Lê Mỹ Trang là người đau đáu với hành trình đưa con vịt bầu trở lại vị thế vốn có. Ảnh: Việt Khánh.  

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, ông Lê Mỹ Trang là người đau đáu với hành trình đưa con vịt bầu trở lại vị thế vốn có. Ảnh: Việt Khánh.  

Ông Lê Mỹ Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu khẳng định: “Quỳ Châu định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm đặc thù, việc khôi phục và nhân giống vịt bầu vì thế rất cấp thiết. Vịt bầu thương phẩm có trọng lượng từ 1,8 - 2,2 kg/ con, quy trình nuôi khoảng 4 – 5 tháng, chất lượng, mùi vị vượt trội các giống vịt khác nên rất hút khách”.

Khác với giống vịt thường, đặc điểm của vịt bầu Quỳ Châu là dòng hướng thịt, có mỏ vàng, chân ngắn, đầu to, có vết khoang ở cổ. Đây là giống có sức chống chịu bệnh cao, thích ứng với nhiều loại thời tiết.

Thực tế, trước đây UBND tỉnh Nghệ An đã chủ động phương án ngăn chặn “chảy máu” giống quý, đồng thời từng bước phát triển tổng đàn theo hướng quy mô lớn, thâm canh bằng cách phê duyệt dự án “Hỗ trợ khôi phục và phát triển đàn vịt bầu Quỳ huyện Quỳ Châu giai đoạn 2015 – 2017”. Bám vào đây, huyện Quỳ Châu đã ban hành đề án 06-ĐA/HU năm 2020 về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2020 – 2025, qua đó lựa chọn, tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, dĩ nhiên con vịt bầu không thể nằm ngoài danh sách này.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phải đạt 15.000 con, sản lượng đạt khoảng 87 tấn, quyết đưa vốn quý rải khắp các xã có lợi thế (Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Phong, Châu Bình, Thị trấn Tân Lạc…)

Để làm được dĩ nhiên phải có quyết sách phù hợp, dựa trên điều kiện cần tổ chức rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp, đổi mới hình thức quản lý đất đai nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả. Quá trình nuôi phải áp dụng các tiến bộ khoa học (giống, kỹ thuật, công nghệ) nhằm tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa bảo tồn bền vững nguồn giống.

Ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳ Châu chia sẻ thêm: Bên cạnh những đề án của tỉnh, huyện, đơn vị đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân trên địa bàn gom giống tiến hành chăn nuôi tập trung. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai dự án hỗ trợ khôi phục giống vịt quý với quy mô lên đến 600 con, mô hình giao cho Hội Nông dân huyện thực hiện.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.