Mảnh ruộng rộng 3ha đã được trục phẳng lỳ sau những tháng ngày ngậm phù sa mùa lũ. Chiếc máy cấy hiệu Yanmar do Nhật Bản chế tạo, với một người lái và một người “cho ăn mạ”, lướt nhẹ trên lớp bùn non, nhả ra những hàng mạ đều nhau, thẳng tắp, khiến mọi người tròn xoe mắt dõi theo.
Mang lợi ích đến nhà nông
Đó là hoạt động tham quan đầu bờ, mở đầu cho hội nghị truyền thông và lễ phát động giảm lượng lúa giống gieo sạ theo quy trình 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, do Ban quản lý Dự án dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Kiên Giang (VnSAT Kiên Giang) tổ chức. Đông đảo bà con nông dân trong vùng dự án đã đến tham quan thực tế đồng ruộng, đồng thời đóng góp ý kiến với hội nghị.
Đông đảo người dân trong vùng dự án đến tìm hiểu mô hình và tham dự hội nghị |
Tại vùng dự án, không chỉ có mô hình máy cấy, mà còn có cả những ruộng sạ thưa, với lượng lúa giống sử dụng chỉ từ 80-120 kg/ha, so với mức 150 - 200 kg/ha theo tập quán canh tác truyền thống của nông dân tại địa phương. Có điều khá thú vị là 3 lô đất liền kề nhau thì 2 hộ 2 bên sau khi được tập huấn đã quyết định sạ thưa thì hộ ở giữa lại chưa dám làm, vẫn giữ thói quen sạ dày.
Thế là, Ban quản lý dự án chỉ cần làm 2 cái bảng “ruộng sạ thưa” cắm 2 bên, mặc nhiên ruộng ở giữa trở thành điểm đối chứng. Kết quả phải đợi ba tháng sau mới so sánh được. Nhưng trước mắt thì hai hộ sạ thưa đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn nhờ giảm được hàng chục kg lúa giống gieo sạ mỗi ha. Còn ruộng sạ dày thì được cái nhìn đã con mắt, bởi mới mấy ngày sau sạ mà mạ đã xanh kín mặt đất.
Vụ đông xuân 2018 - 2019, hộ anh Lưu Văn Dai có 3 ha đất lúa tham gia vùng dự án. Dù là năm đầu tiên nhưng gia đình anh Dai mạnh dạn áp dụng quy trình máy cấy mạ khay, với lượng giống sử dụng chỉ khoảng 50 kg/ha (giống Đài Thơm 8), tức là chỉ bằng 1/4 so với lượng lúa giống sạ tay truyền thống.
Anh Dai cho biết: “Ở địa phương đã có người làm lúa cấy máy mấy vụ rồi, giảm được nhiều thứ lắm. Không chỉ giảm giống mà còn giảm phân, thuốc, công chăm sóc… Cuối vụ lúa năng suất còn trúng hơn cả hộ sạ dày nữa. Tôi đã tận mắt thấy, giờ lại được cán bộ dự án hỗ trợ tập huấn kỹ thuật thì tin tưởng sẽ thành công”.
Máy cấy lúa của dự án VnSAT góp phần thay đổi phương thức sản xuất, đồng hành cùng xây dựng NTM |
Ông Nguyễn Thanh Hà, một cán bộ về hưu là người đã đưa mô hình máy cấy về địa phương. Theo ông Hà, đã 6 năm về đây nghiên cứu tập quán canh tác của nông dân, thấy không có gì thay đổi. Bà con thâm canh 2, 3 vụ lúa/năm, lại gieo sạ rất dày nên phải sử dụng phân, thuốc nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Hà quyết định là người tiên phong áp dụng quy trình máy cấy ngay trên mảnh ruộng của gia đình, giảm sử dụng các chất hóa học để người có mô hình làm theo. Được biết, chi phí dịch vụ cấy máy hiện nay là 5,5 triệu đồng/ha, bao gồm cả lúa giống, làm mạ khay và máy cấy, chủ ruộng chỉ cần hoàn thiện mặt bằng và hẹn ngày cấy. Nếu chủ ruộng đã có sẵn lúa giống thì sẽ được trừ lại theo giá thị trường. |
Chính tập quán đó làm đất bạc màu, vi sinh vật trong đất cũng không còn nữa. Vậy là nền đất chỉ là chỗ cho cây lúa bám rễ, còn sống được là nhờ phân và thuốc hóa học, nông dân cứ phải bón tăng dần mới giữ được năng suất.
Một cách tổ chức lại sản xuất
Tại hội nghị, ông Lương Thanh Hải, cố vấn dự án VnSAT Kiên Giang đã trình bày cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn về việc giảm lượng giống gieo sạ trong thâm canh lúa. Theo đó, nếu sạ thưa hợp lý và được chăm sóc tốt, một hạt lúa giống có thể nảy mầm và đẻ từ 20-30 chồi, cho bông hiệu quả. Vì vậy, việc gieo sạ quá dày là không cần thiết, đồng thời là cơ hội dẫn đến phát sinh dịch bệnh.
Vì vậy, việc sử dụng giống tốt từ cấp xác nhận trở lên và sạ thưa hợp lý hoặc sử dụng mạ khay để cấy bằng máy sẽ tiết kiệm được chi phí, mang lại nhiều lợi ích cho nhà nông. Tuy nhiên, để có thể gieo sạ thưa hoặc sử dụng máy cấy, điều kiện tiên quyết để thành công là ruộng có mặt bằng tốt cũng như hệ thống tưới tiêu phải thật đảm bảo.
Do đó, tại buổi hội nghị, nhiều nông dân kiến nghị cần quy hoạch lại đồng ruộng từ chỗ ruộng đất manh mún của từng hộ thành một mảnh đồng nhất với diện tích lớn, có đê bao khép kín và bơm tưới bằng hệ thống bơm điện, vừa chủ động vừa giảm giá thành trong sản xuất.
Được biết, trung bình mỗi hợp tác xã được lựa chọn tham gia dự án sẽ được đầu tư khoản kinh phí hơn 8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và chuyển đổi phương thức sản xuất bền vững. Trong đó, kinh phí dự án đáp ứng khoảng 80%, còn lại là kinh phí đối ứng của địa phương và người dân tham gia dự án.
Ảnh: Đ.T.Chánh |
Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội cho biết, được lựa chọn tham gia dự án sẽ tạo điều kiện cho địa phương tổ chức lại sản xuất, người dân sẽ tăng thêm thu nhập.
“Tân Hội đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015. Tuy nhiên, xã vẫn cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân nhằm nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập, để tiến lên nông thôn kiểu mẫu. Vì vậy, dự án VnSAT có ý nghĩa rất lớn khi đáp ứng tốt với nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM”, ông Sơn đánh giá.
Mở rộng vùng dự án
Kiên Giang là 1 trong 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL được Bộ NN-PTNT lựa chọn tham gia dự án VnSAT, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Đây là những tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa nhưng đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do tình hình biến đổi khí hậu gây ra.
TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý VnSAT Kiên Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 8/15 huyện, thị xã, thành phố được lựa chọn triển khai dự án. Trong đó, có 5 huyện đã triển khai từ giai đoạn đầu, gồm Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất và Giang Thành. Đến nay, dự án tiếp tục được mở rộng ra 3 địa phương mới là Gò Quao, U Minh Thượng và TP Rạch Giá.
TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT, Giám đốc BQLVnSAT Kiên Giang |
Theo số liệu của Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh có 54 hợp tác xã nông nghiệp được lựa chọn tham gia dự án. Nếu giai đoạn đầu triển khai (năm 2016), toàn tỉnh mới chỉ có 6.720 người được hưởng lợi từ dự án thì đến nay đã tăng lên 23.075 người. Diện tích được đánh giá canh tác bền vững cũng tăng tương ứng từ 2.200ha lên 10.042ha.
Điều dễ nhận thấy nhất ở những vùng triển khai dự án là phương thức sản xuất của người dân đã thay đổi tích cực. Diện tích áp dụng thành công quy trình canh tác bền vững thông qua việc giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc BVTV, giảm 30% lượng nước tưới và áp dụng công nghệ sau thu hoạch để giảm thất thoát… ngày càng mở rộng.
Tương tự, diện tích sản xuất được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cũng ngày một tăng lên, hầu như đã phủ kín toàn bộ diện tích của dự án.
“Dự án VnSAT với mục tiêu thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thiết chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Theo đó, dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, liên kết bốn nhà, tập huấn kiến thức cho nhà nông nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người sản xuất. Về mặt xã hội, dự án sẽ cung cấp kiến thức giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, thích ứng với biên đổi khí hậu và phát triển bền vững. Về mặt môi trường, góp phần sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiết thực và hiệu quả, giảm ô nhiễm do dư thừa các chất hóa học, giảm phát thải khí nhà kính…”, TS Đỗ Minh Nhựt. |