| Hotline: 0983.970.780

TS Đỗ Minh Nhựt, Giám đốc VnSAT Kiên Giang:

VnSAT mở ra hướng phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo

Thứ Tư 18/11/2020 , 06:05 (GMT+7)

Đó là khẳng định của TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSAT Kiên Giang, khi trao đổi với phóng viên NNVN về dự án này.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, thành công của dự án VnSAT đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, mở ra hướng phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Thưa ông, dự án VnSAT đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang như thế nào?

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT được triển khai tại tỉnh Kiên Giang từ năm 2015, thực hiện trên địa bàn 5 huyện, gồm: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất và Giang Thành  và 3 đơn vị mở rộng (năm 2017), là huyện Gò Quao, U Minh Thượng và thành phố Rạch Giá. Số xã trong vùng dự án là 21 xã, với tổng diện tích 31.698 ha và hơn 15.800 hộ nông dân tham gia.

Tổng kinh phí của dự án là hơn 320 tỷ đồng, gồm vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) hơn 202 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh trên 37 tỷ đồng, còn lại là vốn đóng góp của các tổ chức nông dân và người dân tham gia dự án, hơn 74 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này chủ yếu mở các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nông dân, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các Hợp tác xã/Tổ chức nông dân, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa, như: Máy làm đất, máy cày, lò sấy, máy cuộn rơm và xây dựng một số trụ sở làm việc, trang thiết bị làm việc để nâng cao năng lực cho cán bộ, các thành viên trong Ban quản lý dự án.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

So với mục tiêu đề ra, kết quả đạt được đến nay ra sao, thưa ông?

Số người được hưởng lợi từ dự án là gần 16 ngàn người, trong đó có hơn 3 ngàn người là nữ giới, chiếm từ 15 - 20% trong tổng số người hưởng lợi. Diện tích tham gia sản xuất lúa bền vững là gần 32 ngàn ha, trong đó 20 Hợp tác xã/Tổ chức nông dân được hỗ trợ xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất.

Nông dân trong vùng dự án áp dụng thành công các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, qua đó góp phần giảm lượng giống gieo sạ từ 60-80 kg/ha, tương đương giảm khoảng 30% so với tập quán sản xuất truyền thống. Lượng phân bón giảm từ 20-30 kg/ha (khoảng 10-15%), chủ yếu là phân đạm Urê, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2-3 lần/vụ, tiết giảm từ 1,5 - 2 kg thuốc độc hóa học/ha/vụ. Giảm lượng nước tưới, khoảng 30% chi phí bơm tưới/vụ. Năng suất lúa trong vùng dự án tăng lên khoảng 0,3 tấn/ha, giá thành sản xuất lúa giảm từ 300-350 đồng/kg, thu nhập của người trồng lúa tăng thêm khoảng 3,5-4,5 triệu đồng/ha.

Trao đổi với nông dân, nhiều người nói với chúng tôi dự án VnSAT đã tạo ra một luồng gió mới, một cuộc “cách mạng” trồng lúa để đưa ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khó hậu, nhưng mà để thay đổi được tư duy, cách làm không phải ai cũng làm được, đây chính là khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án, thưa ông?

Mục tiêu của dự án đúng, trúng, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của địa phương và nhân dân. Vì vậy, quá trình triển khai dự án đã được sự ủng hộ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các Hợp tác xã/Tổ chức nông dân, cũng như người dân trong vùng dự án.

Cái khó khăn lớn nhất mà dự án phải vượt qua là tập quán canh tác truyền thống đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, không dễ thay đổi ngay được. Về kỹ thuật, nhiều nông dân đã quen với tập quán gieo sạ với mật độ rất dầy (hơn 200 kg lúa giống/ha). Vì vậy, cần có thời gian để tập huấn theo kiểu mưa dần thấm lâu, bằng việc làm các mô hình trình diễn để họ nhận thức và thay đổi thói quen, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật...

Dự án VnSAT đầu tư hệ thống cống nổi phục vụ tưới tiêu cho Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 4A, xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án VnSAT đầu tư hệ thống cống nổi phục vụ tưới tiêu cho Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 4A, xã Tân Hiệp A, Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Nhưng có thể khẳng định, đến nay, Kiên Giang đã vượt qua những khó khăn đó. Dự án đã mang lại những hiệu quả lớn cho nông dân, tổ chức nông dân, ngành nông nghiệp?

Sau thời gian thực hiện, dự án đã mang lại những kết quả rất khả quan. Trước khi dự án VnSAT được triển khai, toàn tỉnh Kiên Giang mới chỉ có khoảng 1.600 ha áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Nhưng đến nay, đã có trên 15 ngàn lượt nông dân được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, tương đương với diện tích canh tác là gần 31.000 ha. Chỉ tính riêng trong vùng dự án, diện tích canh tác áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” đã đạt gần 19.600 ha, đạt 93% mục tiêu của dự án.

Về kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, đã có gần 9.000 nông dân được đào tạo, tương đương diện tích canh tác là gần 18 ngàn ha và thực tế diện tích đã được áp dụng hiện nay là hơn 7.000 ha. Lợi nhuận từ trồng lúa của người nông dân cũng được tăng lên đáng kể, bình quân tăng thêm khoảng 18-29% so với ngoài dự án, tương đương với số tiền tăng thêm từ 2,7 - 4,3 triệu đồng/ha.

Các tổ chức nông dân đã được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực là 46 Hợp tác xã, trong đó có 20 Hợp tác xã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Công tác liên kết, tiêu thụ lúa gạo cũng được phát triển tốt hơn. Trước khi triển khai, trong vùng dự án của tỉnh chỉ có 960 ha sản xuất lúa có hợp đồng bao tiêu nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 8.600 ha, vượt so với kế hoạch đề ra.

Dự án VnSAT ban giao công trình phục vụ sản xuất lúa gạo Hợp tác xã Dịch vụ Thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Dự án VnSAT ban giao công trình phục vụ sản xuất lúa gạo Hợp tác xã Dịch vụ Thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Theo dự kiến, đến năm 2022 dự án sẽ kết thúc. Theo ông, cần phải làm gì để đạt được các mục tiêu còn lại là tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hiệu quả của dự án ra các địa phương khác của tỉnh Kiên Giang cũng như khu vực ĐBSCL?

VnSAT là dự án có tác động lớn đến ngành nông nghiệp, làm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, gia tăng lợi nhuận theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, theo kế hoạch thì dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 6/2022. Vì vậy, theo tôi, cần kéo dài thời gian cũng như mở rộng vùng dự án để có nhiều nông dân được tiếp cận và hưởng lợi.

Từ năm 2021, nguồn vốn sẽ chuyển sang đầu tư công đối với hạ tầng trong thời gian gia hạn dự án, không đầu tư riêng lẻ cho các Hợp tác xã nữa, mà sẽ đầu tư các tuyến đường giao thông, làm hệ thống đê bao, thủy lợi, kéo đường điện cho một vùng sản xuất rộng lớn hơn, nhiều người được hưởng lợi hơn. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp địa phương hiệu qủa.

Xin cảm ơn ông!

Kết quả thực hiện canh tác lúa bền vững và liên kết chuỗi

Trong 5 năm triển khai thực hiện dự án VnSAT, đã có tác động mạnh mẽ nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu 2 ngành hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam là lúa gạo và cà phê. Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng và máy móc thiết bị, dự án VnSAT đã hỗ trợ hình thành hợp tác xã có năng lực tốt với những vùng nguyên liệu lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Tính đến tháng 9/2020, dự án đã thành lập và củng cố 318 Tổ chức nông dân. Các tổ chức nông dân này được đào tạo tập huấn về canh tác lúa bền vững với diện tích áp dụng lên đến gần 149.000 ha, giúp tăng lợi nhuận ròng/ha lên mức 26,4% đối với nông dân tham gia dự án. Áp dụng các giải pháp canh tác lúa bền vững đã giúp hoạt động sản xuất lúa trên toàn dự án giảm 1,17 triệu tấn khí thải/năm, nhằm bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vụ hè thu năm 2020, sau gần 5 năm triển khai dự án, đã có 56.554 ha lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Trong đó, có 19.801 ha lúa hè thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100-300 đồng/kg.

PHÚC NGHI

    Tags:
Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên

Ngày 21/4, Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm