4 giờ sáng ngày 12/6, đập dâng thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) đã bị xé toạc trong quá trình tích nước. Hàng chục người dân đã được cứu thoát trong cơn lũ dữ; hàng trăm ha cây trồng, vật chất bị thiệt hại.
KINH HOÀNG LŨ DỮ
Với tổng vốn xây dựng 120 tỷ đồng do Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai (trụ sở tại TP.Pleiku - Gia Lai) làm chủ đầu tư, thủy điện Ia Krêl 2 nằm trên suối Ia Krêl, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 5,5 MW, sản lượng điện khoảng 22,5 triệu kWh/năm.
Công trình khởi công tháng 9/2009, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào tháng 7/2011. Lãnh đạo xã Ia Dom cho biết: Công trình này đã ngưng thi công một thời gian, mới hoàn thành và đang trong quá trình tích nước (tổng dung tích hồ chứa khoảng 8 triệu m3) thì xảy ra sự cố vỡ đập.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 12/6, ông Kpuih Ơn ở làng Ó, xã Ia Dom (có rẫy bên QL14C) báo cho Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh ra ứng cứu gia đình ông đang bị mắc kẹt trên cây do nước lũ lên nhanh. Lập tức, đồn đã bố trí lực lượng tới hiện trường để ứng cứu. Công an huyện, huyện đội, chính quyền huyện Đức Cơ cũng triển khai các lực lượng ra hiện trường.
8 người đang mắc kẹt trên cây được cứu thoát, 30 người trong khu vực đường 14C và các nương rẫy lân cận được sơ tán kịp thời. Tại khu vực cầu treo do đội thi công Cty 711 - Binh đoàn 15 đang thi công có 22 công nhân đã chủ động thoát lũ an toàn. Đồn BP cửa khẩu Lệ Thanh đã điều xe, mượn thêm xe cẩu của người dân để vào vùng lũ dữ cứu người.
Quá trình nứt vỡ về phía giữa đập
Tuy nhiên khi xe cẩu đến cầu Đôi (trên đường 14C) thì lũ bất ngờ dâng cao, xe cẩu bị chết máy, lái xe phải leo lên cây mới thoát nạn. Ông Võ Thanh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết: “Sự cố vỡ đập xảy ra vào buổi sáng, lúc mọi người đã dậy đi làm, nếu nó xảy ra sớm hơn thì có thể hậu quả sẽ rất lớn”.
Thống kê sơ bộ, có khoảng 200 ha diện tích cây trồng của dân và cao su của Cty TNHH MTV 72 (Binh đoàn 15) bị thiệt hại, khoảng 69 ngôi nhà chòi bị ngập, nhiều xe ô tô, xe máy và các phương tiện phục vụ thi công bị hư hỏng nặng…
Ông Phạm Thế Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có mặt kịp thời. Theo ông thì: “Đây là sự cố lớn sau trận bão số 9/2009 trên địa bàn huyện Đức Cơ. Các lực lượng đã nhanh chóng và cơ động ứng cứu nhanh, không để xảy ra thiệt hại về người”. Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu huyện Đức Cơ tiếp tục rà soát kỹ tới từng địa phương để kiểm tra những người chưa có mặt ở gia đình.
QUAN NGẠI CHẤT LƯỢNG ĐẬP
Sự cố vỡ đập Ia Krêl 2 xảy ra khi quá trình tích nước mới chỉ đạt 60% dung tích thiết kế. Tại hiện trường, lượng nước trong lòng hồ trước khi vỡ đập cách cao trình đỉnh đập khoảng 4m, toàn bộ thân đập dâng dài khoảng 200m được đắp hoàn toàn bằng đất. Nước dữ xé toạc gần 50m chiều dài thân đập ở bờ vai phải, chiều cao từ đáy đập lên gần 30m. Cống xả đáy bằng bê tông với lõi thép nhỏ bị nước xé toác đẩy nửa ống cống văng ra xa.
Sau sự cố vỡ đập ở Thủy điện Đak Rông 3, Đăk Mek 3, bây giờ đến lượt Thủy điện Ia Krel 2. Phải chăng đây là hậu quả của việc thả nổi quản lý các công trình thủy điện vừa và nhỏ. |
Chưa hết, hàng chục mét đập tiếp tục bị nứt và lan dần ra giữa đập, nguy cơ bị vỡ đập tiếp là hoàn toàn có thể. Người dân địa phương cho biết: Từ hơn 1 tháng nay, họ đã thấy hiện tượng đập bị nứt nẻ. Mấy hôm nay, mưa lớn xảy ra liên tục trên địa bàn, đến hôm nay thì xảy ra sự cố.
Theo ông Lê Đức Đạo - Trưởng CA huyện Đức Cơ thì: “Thời gian qua huyện Đức Cơ không có thiên tai nào đáng kể, đập Ia Krêl 2 bị vỡ gây ra sự cố ghê gớm. Điều này đặt ra nghi vấn chất lượng đập có vấn đề khi mà nước tích chưa đủ”.
Trong suốt quá trình xảy ra sự việc, chủ đầu tư công trình không hề xuất hiện tại hiện trường và không cử người đi ứng cứu dân. “Trong sự việc này, trách nhiệm của chủ đầu tư không cao. Đề nghị các ngành chức năng vào cuộc xem nguyên nhân vỡ đập để quy ra trách nhiệm là của ai, đơn vị thiết kế kỹ thuật, đơn vị thi công hay đơn vị nào khác”, ông Phạm Thế Dũng cho hay.