| Hotline: 0983.970.780

Vợ hay nạt nộ lại sợ chồng ít nói

Thứ Bảy 05/09/2020 , 08:40 (GMT+7)

Thùy có sắc đẹp, có tài kinh doanh, nhưng cô nóng tính đến mức ai cũng phải e sợ. Cho đến khi cô gặp phải khắc tinh của đời mình.

Thùy thuộc mẫu người rất xông xáo trong mọi việc. Cô đã làm không ít nghề, khởi đầu là những nghề lao động thuần túy như thợ hồ, bưng bê trong hàng quán, giúp việc nhà, rửa chén thuê, dần dần chuyển sang chủ lò bánh mì và cho đến nay là chủ cửa hàng sản xuất và bán các loại bánh. Mọi người đều nể nang Thùy cũng vì cơ ngơi kinh doanh phát đạt của cô.  

Người chồng đầu tiên của Thùy tên An. Họ lấy nhau khi cô còn làm thợ hồ. Anh là quản đốc công trình. An lấy Thùy vì cô đẹp, nhưng lấy nhau xong anh đã nhanh chóng chuyển từ si mê sang sợ hãi.

Trong gia đình, Thùy tỏ ra là người quyết đoán mọi thứ, dần dần chỉ trong một thời gian ngắn, mọi sinh hoạt lẫn các giao tiếp của An đều nằm trong vòng kiểm soát của Thùy. An không bằng lòng với tình trạng vợ lấn át chồng như thế.

Đặc biệt khi anh là lao động chính trong gia đình. Trong công trình, sau chủ thầu là An, dưới tay anh quản lý mấy chục công nhân xây dựng. Làm sao điều đó có thể bị đảo ngược lại khi anh ở trong gia đình.

Vợ chồng nhiều lần cãi nhau vì tính khí độc đoán của Thùy. Có lần trong lúc cãi cọ, An bực quá đưa tay ra tát vợ, nhưng Thùy nhanh hơn, kịp thời gạt tay chồng ra và tát lại anh.

Vì sao tính khí Thùy hung hãn như thế? Từ bé, mẹ Thùy đã sớm bỏ cha của cô, một người vốn nát rượu, hay đánh đập vợ con để đi lấy chồng khác.

Ở với bố dượng, cô đối diện với một người đàn ông tính nết cọc cằn, thô lỗ, ưa gây sự, hay nhìn người khác bằng con mắt thù địch.Cộng thêm cuộc sống chật vật, chịu nhiều áp lực dữ dội từ bên ngoài, tất cả đã hun đúc trong cô một cá tính khác người như vậy.  

Sau lần xung khắc đỉnh điểm đó, hai người ly dị nhau. Hai vợ chồng có một con gái. Thùy bỏ nghề thợ hồ, chuyển sang làm rửa chén và bưng bê cho quán cơm để sinh nhai và nuôi con.

Rồi Thùy mau chóng học được nghề làm sườn nướng cho quán. Món sườn nướng của cô nêm nếm thơm ngon không ai bằng. Bí quyết ướp thịt độc đáo đó Thùy không chỉ cho ai. Sau một trận cự cãi ra trò với chủ quán, cô bỏ nghề, bỏ luôn cả ý định mở quán cơm bán riêng, cũng chỉ vì cô có ác cảm với bà chủ quán cơm cũ.

Thùy tìm hiểu nghề làm bánh mì và không bao lâu sau, cô gom góp mở một lò bánh mì riêng. Lò bánh của Thùy mau chóng ăn nên làm ra, đó cũng là lúc mối tình của cô với anh thợ chính của lò tên Long. Ít lâu sau, hai người lấy nhau. Nhưng cũng kể từ đó, Long cảm thấy mình đã bị mất đi hẳn một thứ quý giá nhất trên đời của anh, sự tự do.

Từ trước đến nay Long vốn đã quen với nếp sống lãng tử, không bị ai quản thúc. Chiều về, hết việc làm là giờ anh nuông chiều bản thân trong các quán nhậu. Điều dễ thấy là cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng đó không được bền lâu. Sau những lần cãi nhau dữ dội, hai người đường ai nấy đi. Nếu cuộc hôn nhân trước còn kéo dài được hai năm, thì mối quan hệ giữa Thùy và Long chỉ kéo dài được gần 12 tháng.

Nhưng chỉ khoảng nửa năm sau đó cô lại gặp Phú. Phú vốn là giáo viên dạy kèm cho bé Phượng, con của cô. Sau một năm dạy kèm, bé Phượng đạt kết quả tốt trong học tập, cũng là khi mối quan hệ giữa Thùy và Phú đã tiến triển nhiều. Họ tỏ tình với nhau và đến cuối năm ấy hai người làm đám cưới.

Điều khá bất ngờ đối với Phú, đó là trong thời gian anh đến nhà dạy kèm cho con của Thùy, cô ta không hề để lộ ra những lời nói khiếm nhã hoặc bộc lộ thái độ cộc cằn. Kể cả sau khi hai người tỏ tình với nhau, ấn tượng về Thùy trong cái nhìn của Phú vẫn rất tốt đẹp. Vì thế anh đã quyết định lập gia đình với cô.

Vợ chồng ăn ở với nhau được gần nửa năm, tính nóng của Thùy mới bắt đầu bộc lộ. Và khi đã lộ ra rồi, tình trạng ngày càng gia tăng. Ban đầu Phú chỉ cảm thấy ngạc nhiên, anh không e sợ như hai người chồng trước đã cảm thấy mỗi lần Thùy nổi hung tính.

Để đối phó, những khi Thùy nổi cơn la mắng dữ dằn, Phú chỉ lẳng lặng một lúc, rồi buông gọn một câu chắc như đinh đóng cột: “Nói vậy đủ rồi, không nói nữa.” Hoặc “Làm vậy đủ rồi, không làm nữa” để ngăn không cho vợ quăng chén liệng bát hoặc đập vỗ rầm rầm các thứ đồ đạc trong nhà.

Lạ một điều những câu nói ngắn gọn như thế mà lại có oai, tác dụng giống như thần chú, và cơn tam bành của Thùy cũng mau chóng tắt ngúm. Số là do từ bé Phú đã mồ côi cha mẹ, anh sống chung với ông bác đối xử với cháu rất khắc nghiệt. Những chuyện đòn roi không phải là hiếm. Lâu ngày Phú đâm quen và chai lì. Cách xử sự khi còn ở với ông bác, bây giờ anh áp dụng đối với vợ.

Chỉ độ vài tháng, Thùy dần dần mất hẳn thói quen ưa gây hấn đó. Về sau trong nhà cửa cũng không còn thấy chuyện to tiếng nữa.

(Kiến thức gia đình số 36)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm