| Hotline: 0983.970.780

Vòng xoáy khủng hoảng cá tra

Thứ Năm 08/11/2012 , 09:36 (GMT+7)

Sản xuất và kinh doanh cá tra ở ĐBSCL đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có, vì vẫn trong vòng xoáy phát triển chiều rộng nhưng theo chiều ngược lại năm 2008.

Sản xuất và kinh doanh cá tra ở ĐBSCL đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có, vì vẫn trong vòng xoáy phát triển chiều rộng nhưng theo chiều ngược lại năm 2008.

Nguy cơ phá sản

Ông Lê Thành Quân ở xã An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp), mỗi năm bán cá tra nhiều chục tỷ đồng. Đầu tháng 10-2012, khi Cty Cổ phần Thủy sản Bình An trở lại độc lập mua cá để chế biến xuất khẩu, ông Quân bán được 700 tấn, với cá loại A1 giá 22.200 đ/kg, khá phấn khởi. Nói khá phấn khởi là vì cá đến lứa bán được, còn giá bán thế là lỗ bởi giá thành đã 24.000 đ/kg. Người nuôi cá tra ĐBSCL đang rơi vào hoàn cảnh tương tự giữa năm 2008, chỉ khác hồi đó sản lượng cá tra nguyên liệu thừa so với công suất nhà máy chế biến, còn nay thì ngược lại.

Hồi giữa năm 2008, mới 57 doanh nghiệp (DN) có nhà máy chế biến trong tổng số 168 DN xuất khẩu cá tra và nhiều ý kiến đòi các DN xuất khẩu cá tra phải có nhà máy chế biến. Sau đó, diễn ra sự “bùng nổ” nhà máy chế biến cá tra mà Tổng cục Thủy sản đánh giá là “thiếu kiểm soát”. ĐBSCL hiện có khoảng 100 nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong lúc, sản lượng cá tra nguyên liệu chỉ già 1 triệu tấn/năm, nghĩa là nguyên liệu chỉ đáp ứng hơn nửa công suất, nên bình quân các nhà máy hoạt động 60% công suất.

Năm nay giá cá tra xuất khẩu cũng giảm, giống như năm 2008, do các DN trong nước cạnh tranh lẫn nhau. Giữa năm 2008, giá xuất khẩu fillet đông lạnh có nơi 4,16 USD/kg nhưng có nơi chỉ 1,09 USD/kg (chênh lệch nhau 307%), do tranh bán, khiến thị trường rối loạn mà nhiều DN phải kêu lên “ta hại ta”. Còn năm 2012, mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thống nhất giá sàn trên 3 USD/kg nhưng nhiều DN vẫn xuất 2,4 – 2,6 USD/kg. Theo VASEP, tính đến ngày 15-10, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm xấp xỉ 1% so với cùng kỳ năm trước.


Cty CP Thủy sản Bình An mới hoạt động một dây chuyền chế biến một ngày dưới 100 tấn cá tra

Sản lượng nuôi vượt quá công suất chế biến đã gây nhiều thiệt hại lớn, nay ngược lại thì thiệt hại cũng không nhỏ và còn ẩn chứa nguy cơ lớn hơn. Tại cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức ngày 24-10 tại TP Cần Thơ, TGĐ Cty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) Võ Văn Phục cho rằng, hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang khốn đốn. Đặc biệt, ông Phúc nói “trên 80% nhà máy ra đời từ nguồn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đang trên bờ vực phá sản”.

Loay hoay và lo sợ

Phát triển theo chiều rộng nên dù sản lượng nuôi trồng, công suất chế biến và kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua tăng liên tục nhưng cá tra vẫn thiếu những sản phẩm nổi trội về chất lượng để tăng lợi thế cạnh tranh. Theo Tổng cục Thủy sản, cá tra xuất khẩu đa phần là fillet đông lạnh, chỉ có khoảng 1% là sản phẩm giá trị gia tăng. Vụ Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương cho biết thêm “trong 100% tăng thêm của tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trên 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ 20% là do tăng giá”.

Nguyên nhân chính, sản xuất và kinh doanh cá tra vẫn manh mún, thiếu quy hoạch lẫn kế hoạch, không quản lý được chất lượng. Nhiều năm qua đặt hy vọng vào việc thành lập Hiệp hội Cá tra ĐBSCL để làm đầu mối khắc phục dần các yếu kém. Nêu lên sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tính đầu năm 2010 tổ chức đại hội thành lập, nhưng đến nay vẫn chưa biết bao giờ ra đời vì chưa tìm được vị Chủ tịch có khả năng xây dựng nền tảng phát triển. Trong lúc, một số quan chức đã (hoặc sắp) nghỉ hưu muốn làm thì chỉ có khả năng “hành chính hóa” hội nghề nghiệp, lại là điều cần tránh.

Gần đây, có nhiều cuộc họp bàn về quy định giá sàn cá tra nguyên liệu, để hy vọng người nuôi có lợi nhuận tối thiểu, đảm bảo cho ngành sản xuất kinh doanh cá tra ổn định. Bàn nhiều mà chưa ra kết quả vì chưa có cơ sở thực tiễn khi đang thiếu hội nghề nghiệp đủ mạnh. Tóm lại, sau những tăng trưởng sản lượng, công suất chế biến và kim ngạch xuất khẩu thì hàm lượng chất xám trong sản phẩm, quản trị, tổ chức vẫn thấp, nên thủy sản chưa trở thành ngành hàng đủ sức tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển.

Nợ nần của ngành thủy sản thì vẫn nóng bỏng cuộc sống, ồn ào hoặc âm thầm, đang làm xáo trộn nhiều vùng quê, đe dọa gây ra những tàn phá chưa lường hết được. Chuyện nợ của Cty Cổ phần Thủy sản Bình An ở Cần Thơ vừa lắng dịu, ở tỉnh Sóc Trăng lại bùng lên vụ Cty TNHH Phương Nam nợ hơn 1.600 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Cty Phương Nam, đi Mỹ chữa bệnh (theo lời ông) từ đầu năm đến nay chưa về, cùng với vợ con, để món nợ mặc cho 7 ngân hàng “tái cơ cấu”. Những ví dụ tương tự có thể kể rất nhiều...

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nói “thủy sản không còn hấp dẫn”. Hơn thế, thủy sản đang làm nhiều người lo sợ, hoang mang, từ nuôi trồng đến chế biến và cả các ngân hàng.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm