Ở vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (thôn Phăng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), một trong những vấn đề rất được nhiều người quan tâm trong lúc này là việc cứu hộ, cứu nạn những công nhân sau khi tiếp cận được họ được cơ quan chức năng tiến hành như thế nào.
Trưa và chiều 19/12, lực lượng công an và y tế của tỉnh Lâm Đồng và cả lực lượng tăng cường từ ngoài tỉnh đến đã tổ chức hai đợt diễn tập cứu nạn để sẵn sàng cấp cứu các công nhân khi tiếp cận được với họ.
Lúc 3 giờ 45 phút chiều 19.12, mọi công việc ứng cứu người bị nạn đã được hoàn tất. Đại tá Bùi Văn Sơn - GĐ Công an tỉnh Lâm Đồng - sau buổi diễn tập cho biết: “Chắc chắn là việc cấp cứu các nạn nhân sẽ nặng nề nhưng chúng tôi đã lường trước mọi khả năng. Tôi vừa có cuộc hội ý nhanh với lực lượng y tế của Lâm Đồng và của TP HCM để phân công trách nhiệm cho từng bộ phận”.
Theo đó, sẽ có 3 tổ y tế túc trực từ bên trong hầm, trước cửa hầm và bên trong lán trại dã chiến phía ngoài để thực hiện việc cấp cứu các nạn nhân với mọi khả năng có thể. Nếu xảy ra trường hợp có nạn nhân phải chuyển lên tuyến trên thì lực lượng ứng cứu cũng đã sẵn sàng.
Tiếp tục cưa cây để kè chắn
Ở một diễn biến khác, anh Lê Minh Chung (người trực tiếp chỉ huy việc khoan mũi khoan từ trên đỉnh đồi xuống) cho biết: “Đêm qua, ngay sau khi mũi khoan thứ nhất gặp phải đá và bị gãy, chúng tôi đã đưa mũi khoan thứ hai vào khoan ở địa điểm cách vị trí cũ khoảng 30m.
Lúc sáng nay, mũi khoan thứ hai này có gặp sự cố nhưng đã được chúng tôi khắc phục và công việc khoan nhồi từ trên xuống vẫn được tiến hành một cách khẩn trương nhất; cho đến giờ (3 giờ 50 phút chiều ngày 19/12), mũi khoan này đã cắm sâu hơn 15m, dự kiến khoảng trên dưới 70m là đến nơi những nạn nhân đang mắc kẹt trong đường hầm”.
Cùng với mũi khoan thẳng từ trên xuống, như NNVN đã thông tin, hiện có một máy khoan khá hiện đại có khả năng khoan với đường kính trên 20cm và độ sâu 300m đang được điều từ Đồng Nai lên. Việc khoan từ trên đỉnh đồi xuống là nhằm mục đích tiếp tế lương thực, thuốc men, áo quần, chăn màn... cho các nạn nhân.
Cũng trong sáng và chiều 19/12, việc tiếp chất dinh dưỡng đặc biệt có khả năng tăng lực, chống chọi với giá rét và ổn định thần kinh đã được lực lượng y tế tiến hành song song với tiếp tế cháo, nước gừng, xúc xích... cho các nạn nhân.
“Mọi người bên trong vẫn đang ổn định tinh thần, ổn định sức khỏe...” - một nhân viên ứng cứu cho biết. Với tiến độ khá tốt trong công tác cứu hộ như hiện nay, dự kiến vào khuya 19/12 hoặc cùng lắm là rạng sáng ngày 20/12, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận được với 12 nạn nhân để đưa họ ra ngoài.
Chùm ảnh tại hiện trường do PV NNVN ghi lại:
Bên ngoài cửa hầm
Đội ngũ bác sỹ của Lâm Đồng và TP HCM luôn túc trực
Bơm chất dinh dưỡng đặc biệt vào bên trong cho các nạn nhân
Trong đường hầm, lực lượng cứu hộ làm việc rất khẩn trương
Khảo sát địa hình cho công tác PCCC
Tiếp nhiên liệu để khoan cọc nhồi từ đỉnh
Diễn tập cứu nạn