| Hotline: 0983.970.780

Vú sữa Lò Rèn chờ ngày cất cánh đi Mỹ

Thứ Ba 13/11/2018 , 08:59 (GMT+7)

Mặc dù còn cả tháng nữa vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) mới vào chính vụ, nhưng nhiều nông dân đã được chọn trong vùng cấp mã code để xuất khẩu sang Mỹ, háo hức bước vào vụ mùa mới và chờ ngày thu hoạch.

Đây là năm thứ hai loại trái cây đặc sản này được phía Mỹ cho phép nhập khẩu...
 

Doanh nghiệp bắt tay nông dân

Chúng tôi có mặt tại vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đúng lúc các doanh nghiệp đang ráo riết xuống tận vườn để họp bàn thỏa thuận giá cả thu mua, cũng như thống nhất về các khâu kỹ thuật chăm sóc theo quy trình, bao trái, thời gian thu hoạch làm sao cho trái đạt mẫu mã, chất lượng cao để xuất khẩu sang Mỹ.

17-33-36_1
Nhà vườn Tiền Giang đang bắt đầu bao trái vú sữa để giúp trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Ông Huỳnh Văn Thọ, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phấn khởi tâm sự: “Lại sắp tới mùa thu hoạch vú sữa mới, chúng tôi đang tập trung chăm sóc vườn cây và bao trái để giúp trái đạt tiêu chuẩn tốt nhất cho xuất khẩu. Hôm nay đại diện công ty cũng xuống tận vườn để thỏa thuận giá, phổ biến cách thức thu mua khiến bà con chúng tôi càng yên tâm”.

Vườn vú sữa 0,4ha của gia đình ông trước đó đã được đoàn khảo sát của Mỹ đến kiểm tra và đánh giá là vườn mẫu đạt tiêu chuẩn cấp mã code. Đây là năm thứ hai sản phẩm trái vú sữa tươi của Tổ hợp tác được xuất khẩu sang Mỹ nên bà con đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc và xử lý vườn trái để đạt năng suất chất lượng cao.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn vú sữa nhà mình đang cho trái rộ, ông Trần Văn Dũng (ấp Nam, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang) thành viên Tổ hợp tác hào hứng chia sẻ: “Thời điểm này gia đình tôi cũng bắt đầu cắt tỉa bớt cành, nhánh và trái xấu rồi xịt thuốc trừ bệnh, trừ sâu bằng thuốc sinh học; đồng thời tiến hành bao trái theo yêu cầu của công ty thu mua xuất khẩu. Chỉ khoảng 45 - 50 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, năm nay hy vọng vườn trái sẽ đạt hơn năm rồi vì tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm từ đợt đầu cung ứng xuất khẩu”. Vườn vú sữa của gia đình ông Dũng có diện tích 5.500m2 (khoảng 75 gốc đã 16 năm tuổi), cho năng suất bình quân từ 14 - 15 tấn/vụ. Năm ngoái gia đình ông bán cho công ty được 1 tấn vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với giá 28.000 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường 5.000 đồng/kg.



Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Đẹp (Năm Đẹp), ấp Long Bình A, xã Long Hưng cũng bày tỏ niềm vui. Vườn vú sữa của gia đình ông có diện tích 9.000m2, cũng là vườn đầu tiên đạt chuẩn cấp mã code...

 

Sẽ kiểm soát chặt 

Khoảng 400 tấn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang chuẩn bị được nhà vườn tỉnh Tiền Giang cung ứng xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào cuối năm nay. So với năm ngoái, số lượng trái vú sữa xuất khẩu đã tăng gấp nhiều lần. Nông dân trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim đang háo hức với vụ mùa mới.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 102ha vú sữa Lò Rèn được cấp chứng nhận vùng trồng. Nếu tính trung bình năng suất 14 tấn/ha/vụ thì sản lượng xuất khẩu năm nay sẽ đạt gần 1.500 tấn.

Thời điểm này hơn 270 nhà vườn trong tỉnh đã được ngành chức năng thẩm định, cấp mã code vùng trồng, đang tích cực chăm sóc, ghi chép nhật ký...

17-33-36_4
Đại diện Cty Cát Tường xuống tận vườn trao đổi với nông dân về quy trình sản xuất và thỏa thuận giá thu mua trái vú sữa xuất khẩu trong dịp tết năm nay

Ông Đoàn Văn Giàu, đại diện Cty Cát Tường cho biết: “Chúng tôi cam kết sẽ xuất hàng đúng quy trình sản xuất theo yêu cầu phía nhập khẩu, cam kết thu mua đúng vùng trồng đã được cấp mã code...”.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng nhấn mạnh: “Cần rút kinh nghiệm từ vụ xuất khẩu vú sữa Lò Rèn sang Mỹ đầu tiên năm 2017. Dù năm đầu tiên chỉ xuất được gần 200 tấn nhưng một số DN đã trộn hàng không đạt chuẩn, chưa được cấp mã code (mã số vùng trồng) gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của loại trái cây đặc sản này”.

Theo ông Hưởng, năm nay các DN xuất khẩu vú sữa lò rèn Vĩnh Kim sang Mỹ cần phải tuân thủ đúng cam kết chỉ xuất hàng trong diện tích trồng đã có mã vùng. Nếu DN nào gian dối trộn hàng mua từ tỉnh khác hoặc hàng hóa không sản xuất theo quy trình đã cam kết với phía Mỹ sẽ bị xử lý nghiêm…

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang: “Để bảo vệ thương hiệu trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kin đứng vững trên thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ sẽ tạo tiền đề cho các loại trái cây đặc sản khác của tỉnh Tiền Giang như sapô, thanh long, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc... cũng sẽ được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Do vậy, năm nay tỉnh có chủ trương sẽ siết chặt kiểm soát từ doanh nghiệp đến người dân khi tham gia xuất khẩu vú sữa Lò Rèn sang Mỹ”.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Cty Đại Lâm Mộc (Tiền Giang) cho biết, "đây là năm thứ hai đơn vị thu mua vú sữa của nông dân xuất ngoại. Cty đang bao tiêu cho gần 30ha vú sữa của 40 hộ nông dân trên địa bàn. Đến nay, đơn vị đã xuất thành công hai lô vú sữa sang Mỹ và được phía đối tác phản hồi tốt. Do hiện nhà vườn có diện tích cây vú sữa nhỏ lẻ, manh mún nên việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn”.
TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam (SOFRI): Những năm qua, Viện cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, phối hợp với các Sở NN-PTNT và Chi cục BVTV tỉnh Tiền Giang để thực hiện nhiều mô hình cũng như áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới để hỗ trợ cải thiện chất lượng vùng trồng vú sữa, từ kỹ thuật chăm sóc đến quản lý dịch hại, công nghệ bảo quản sau thu hoạch… nhằm giúp sản phẩm trái vú sữa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

 

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.