| Hotline: 0983.970.780

Vú sữa Mica không mủ, chịu mặn

Thứ Ba 30/06/2020 , 06:01 (GMT+7)

Đây là giống vú sữa đột biến, chịu mặn tốt. Khi chín thịt ăn giòn, không có mủ ở phần vỏ, rất ngon.

Chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài là có thể ăn luôn cả phần vỏ dày. Ảnh: Minh Đảm.

Chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài là có thể ăn luôn cả phần vỏ dày. Ảnh: Minh Đảm.

Không mủ, ăn luôn cả vỏ

Tại ấp Phụng Châu, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nhà vườn Bùi Ngọc Lan đang sở hữu giống vú sữa không mủ, vỏ mỏng, ăn giòn. Khi ăn cảm nhận được vị ngọt thanh, ít hạt.

Gọi là vú sữa không mủ là vì quả chín khi xẻ ra thịt khô, không thấy mủ. Vì vậy, ăn vú sữa này không dính mủ ở môi, không có cảm giác sít chát như ăn các loại vú sữa khác.

Nhiều người thích ăn loại vú sữa này cũng bởi đặc điểm đó. Điểm đặc biệt nữa ở vú sữa này là khi ăn chỉ cần gọt bỏ lớp vỏ mỏng bên ngoài, phần còn lại có thể ăn được hết. Thay vì, chỉ sử dụng phần cơm thôi, lớp vỏ đệm bảo vệ cơm cũng ăn được luôn, không chát. 

Nói về nguồn gốc của giống, chị Bùi Ngọc Lan kể: Cách đây 10 năm, chị có mua mấy cây vú sữa bơ tím về trồng. Điều lạ là có hai cây vú sữa lớn nhanh như thổi. Mới hai năm mà ra bông chùm chùm, đậu trái quằng cây. Trong khi đó, các cây khác chưa ra bông.

Đến kì trái chín, chị Lan mới đem cho hàng xóm ăn thử. Ai ăn cũng khen ngon vì ăn giòn rụm mà không có mủ dính miệng.

Vú sữa Mica có màu sắc đẹp, khi chín không mủ, ăn ngọt thanh. Ảnh: Minh Đảm.

Vú sữa Mica có màu sắc đẹp, khi chín không mủ, ăn ngọt thanh. Ảnh: Minh Đảm.

Từ khi trồng đến hai năm thì cho trái chiến, nhưng theo chị Lan nếu để đến 3 năm chất lượng trái sẽ ổn định hơn. Cây thường ra hoa tự nhiên vào tháng hai âm lịch, nhưng hoa sẽ rụng nhiều đợt.

Mỗi năm cây chỉ cho một vụ trái. Đến khoảng tháng 10 âm lịch thì đậu trái. Từ lúc cây ra hoa đến khi trái chín khoảng 3 tháng. Khi chưa chín trái có màu xanh, đến khi chín chuyển hẳn sang màu tím.

Hiện nay, trong vườn nhà chị Lan loại vú sữa này có nhiều độ tuổi khác nhau do gia đình đã nhân giống nhiều lần. Cây lớn tuổi nhất được 8 năm, mỗi năm cho đến 350 trái. Cây ba năm tuổi cho trái ổn định, mỗi năm trên 100 trái. Càng về sau, cây sẽ cho nhiều trái hơn, đạt bình quân 300 trái/năm.

Quả to có thể đạt đến 700-800 gam. Ảnh: Minh Đảm.

Quả to có thể đạt đến 700-800 gam. Ảnh: Minh Đảm.

Trong quá trình trồng, chị Lan nhận thấy vú sữa rất dễ bị ruồi vàng tấn công nên chị đã dùng túi giấy, ni lông bảo vệ trái. Vú sữa này cũng không kén đất, trồng được ở nhiều vùng đất khác nhau. Mỗi năm gia đình chị Lan chỉ bón 3 đợt phân hữu cơ nhưng trái rất to, đẹp. Nhiều trái đạt khối lượng rất lớn. Trái lớn có thể đạt đến 700-800g.

Sau đó, với sự giúp đỡ của Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, chị Lan đã nhân giống vú sữa này và đăng ký cây giống đầu dòng với tên thương mại là Mica không mủ.

Tên này do ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT Chợ Lách đặt giúp chị. Với ý nghĩa giống vú sữa Cái Mơn, một địa danh nổi tiếng nhiều cây trái ngon của huyện Chợ Lách.

Vú sữa Mica có thịt giòn, ngon, ít hạt, có màu tím đậm rất đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

Vú sữa Mica có thịt giòn, ngon, ít hạt, có màu tím đậm rất đẹp. Ảnh: Minh Đảm.

“Tôi có ăn thử trái vú sữa này thấy thịt giòn, ngon, có màu tím đậm rất đẹp. Nếu vú sữa bình thường phải nắn vỏ cho mềm trái mới ăn còn vú sữa này ăn được cả vỏ. Tôi đã đặt tên cho nó là Mica, viết tắt của chữ Milk Fruit of Cái Mơn, nghĩa là vú sữa của xứ sở Cái Mơn”, ông Bùi Thanh Liêm cho biết.

Đầu năm 2020, giống vú sữa Mica không mủ của chị Lan đã được Sở NN-PTNT Bến Tre thẩm định các tiêu chí cấp chứng nhận cây giống đầu dòng theo quy trình mới của Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Kết quả, các thành viên tổ thẩm định đánh giá giống vú sữa Mica không mủ đạt 8/8 tiêu chí.

Khối lượng trái trung bình đạt 423g, độ đồng đều trái đạt 75%, đường kính lõi 10,6cm, dày vỏ trái 1,1cm, cấu trúc thịt trái dai, mềm, nhiều nước, hương vị ngọt, thơm, số hạt 4,2 hạt/trái, độ ngọt 14,4%. Vú sữa Mica đã đạt các yêu cầu công nhận cây đầu dòng.

Theo đánh giá từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre thì đây là một giống vú sữa đột biến, rất ngon. Khi chín, trái vú sữa Mica không mủ, có màu tím hoàn toàn nguyên trái.

Bên cạnh việc đăng ký cây đầu dòng chị Lan còn đăng ký vườn đầu dòng cho giống vú sữa Mica không mủ của mình.

Vú sữa Mica đã được cấp chứng nhận cây đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Vú sữa Mica đã được cấp chứng nhận cây đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Chịu mặn tốt

Bên cạnh đó, giống vú sữa này còn chịu mặn rất tốt. Vừa qua, khi kết thúc mùa mặn, chúng tôi có đến vườn của các nông dân trồng giống vú sữa này ở huyện Chợ Lách. Như tại vườn của chị Lan, ngoài cây vú sữa chị còn trồng thêm nhiều cây khác như sầu riêng, chôm chôm, nhãn...

Đợt mặn vừa qua, chị không đủ nước tưới đã có lần lấy nhầm nước mặn tưới vườn. Cây sầu riêng, chôm chôm cháy lá chết hết. Chỉ riêng cây vú sữa còn trơ trơ không hề hấn gì. Hiện nay, cây vẫn xanh tốt bình thường, trổ hoa đầy cành.

Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi thương cái vụ nó chịu nước mặn. Nó dễ trồng lắm, đất khô queo, nước mặn nó vẫn sống được. Mấy cây con tôi tưới nước mặn 1-2‰ cũng sống bình thường, chứ cây khác là chết hết rồi”.

Chị Bùi Ngọc Lan giới thiệu cây vú sữa Mica đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Chị Bùi Ngọc Lan giới thiệu cây vú sữa Mica đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Còn nhà vườn Nguyễn Công Thành cùng ở xã Sơn Định cho biết: “Vú sữa Mica không mủ này tôi thấy rất hấp dẫn. Trái to từ 450 – 600g, đạt hàng cơi hết, khỏi lựa. Tôi thấy ở Chợ Lách này, độ mặn khoảng 4‰ nó vẫn sống được.

Bằng chứng là tôi để trong vườn ươm ở Quốc lộ 57 thấy vẫn phát triển đều đều. Tại vì tôi tưới nước có đợt lên đến 4-5‰.

Cây vú sữa nằm ở mép mương, bờ sông mặn thay đổi thường xuyên nhưng nó vẫn phát triển bình thường. Tôi thấy nó chịu mặn gần như là cây ca cao vậy. Cây ca cao chịu được mặn cỡ 6‰”.

Mới trồng, cây hễ ra đọt non là ra hoa. Chỉ cần cây lớn là nhà vườn có thể để trái được, cây nhỏ để trái sẽ gãy cành. 

“Thí dụ khu vườn khoảng 100 cây vú sữa Mica thì nên trồng thêm khoảng 2-3 cây vú sữa Lò Rèn để cây dễ đậu trái hơn nhờ thụ phấn chéo. Thậm chí người ta còn trồng theo đầu hướng gió nữa”, ông Nguyễn Công Thành chia sẻ kinh nghiệm.

Vú sữa Mica còn có thêm ưu điểm, cây lùn, tán rộng nên nhà vườn rất dễ bao trái làm nông nghiệp sạch nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm nay hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân ở ĐBSCL nói chung cũng như Bến Tre nói riêng.

Nhiều cây ăn quả chịu hạn, mặn kém đã bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều khu vườn người dân buộc phải cải tạo lại, chuyển đổi sản xuất theo hướng lựa chọn cây trồng chất lượng tốt, vừa có kinh tế vừa có thể thích nghi với biến đổi khí hậu.

Dù mới trải qua một đợt hặn mặn nhưng cây vú sữa Mica vẫn đơm bông đầy cành. Ảnh: Minh Đảm.

Dù mới trải qua một đợt hặn mặn nhưng cây vú sữa Mica vẫn đơm bông đầy cành. Ảnh: Minh Đảm.

Giống vú sữa Mica không mủ đã góp thêm một sự lựa chọn cho người dân tìm hiểu, cải tạo vườn tược phát triển kinh tế. Đồng thời, cũng góp phần làm đa dạng giống cây trồng trái ngon của vương quốc hoa kiểng, cây giống của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Dự báo thị trường trong nước sẽ ưa chuộng loại trái ngon, lạ này, nhất là các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm. Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Khánh Trung A (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cho biết: “HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ vườn cây giống của chị Lan. Khi cây vú sữa Mica được trồng đại trà, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ trái để xuất khẩu. Hiện HTX đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền giống vú sữa Mica với Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm