| Hotline: 0983.970.780

Vụ thai nhi tử vong với vết đứt trên cổ: Sự thật quá sốc!

Thứ Ba 02/07/2019 , 17:40 (GMT+7)

Sở Y tế Hà Tĩnh đã có báo cáo khẩn gửi Bộ Y tế về vụ việc bác sĩ (BS) BV đa khoa huyện Đức Thọ làm đứt cổ bé trai khi vừa lọt lòng, xảy ra vào ngày 30/6 vừa qua.

Đình chỉ công tác kíp trực

Chiều 2/7, Sở Y tế Hà Tĩnh thông tin, Ban Giám đốc BV Đức Thọ đã tạm thời đình chỉ kíp trực đã thăm khám và đỡ đẻ cho sản phụ Nguyễn Thị Tình (SN 1982), trú xã Phú Lộc, huyện Can Lộc.

Trước đó, Sở này đã có báo cáo gửi Bộ Y tế, với nội dung chính sau: Thai phụ Nguyễn Thị Tình mang thai lần 5, thai 35 tuần, có dấu hiệu chuyển dạ và được chuyển vào BV Đức Thọ lúc 9h30 ngày 30/6. Khi vào viện, thai phụ tỉnh táo, thể trạng trung bình, cao 152cm, nặng 60 kg, da niêm mạc bình thường, không phù, mạch 80 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, nhiệt độ 36,8 độ C, vòng bụng: 88 cm; chiều cao tử cung: 28 cm; ngôi đầu; cơn co tử cung tần số 2/20 giây; cổ tử cung mở 4 cm. Các xét nghiệm máu, nước tiểu đều trong giới hạn bình thường. Bác sĩ chỉ định theo dõi tim thai và cơn co tử cung.

Lúc 18h35 phút ngày 30/6, tim thai âm tính; cơn co tử cung tần số 5/50 giây; cổ tử cung mở hết; ối vỡ, nước ối có màu xanh; đầu lọt, nữ hộ sinh tiến hành đỡ đẻ ngôi đầu nhưng thế không xoay; ngay sau đó báo cáo trực lãnh đạo và bác sĩ chuyên khoa sản trực thường trú đến xử trí.

Ông Nguyễn Minh Đức thừa nhận đã làm đứt cổ thai nhi.

Lúc 19h6 phút, BS Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản đỡ đẻ ngôi đầu, sau đó đầu bị đứt lìa, phần da nổi phỏng nước, lầy da, các phần chi tím. Sau khi thai sổ ra ngoài kíp trực tiến hành khâu phần da và ghi hình ảnh, giải thích cho chồng của sản phụ.

Tình trạng thai nhi sau khi sổ: Da đầu bị bong trợt; da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày.

Phía BV cho biết, sau khi sự cố xảy ra, kíp trực đã kịp thời động viên sản phụ, giải thích cho chồng cũng như gia đình của sản phụ; tiến hành công tác tử thi và bàn giao tử thi thai nhi cho người nhà đưa về quê mai táng, tổ chức chăm sóc, theo dõi, điều trị cho sản phụ.

“BV Đức Thọ thừa nhận, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện. Trong đó BS trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi; hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu”, báo cáo Sở Y tế Hà Tĩnh viết.

BS Răng - Hàm - Mặt... trực khoa sản (!)

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa sản BV Đức Thọ thừa nhận, chính ông là người kéo đứt cổ bé trai. Tuy nhiên, ông này đùn đẩy trách nhiệm rằng “đứa trẻ đã lưu trước đó”.

 “Tôi nhận được thông báo của nữ hộ sinh về ca của sản phụ. Tôi chạy lên đó, kéo một tí là cổ đứa trẻ đã rời. Có thể trước đó, các hộ sinh đã kéo giãn rồi”, ông Đức nói.

Vị BS này cho biết thêm, sau khi kéo rời cổ bé trai ông khâu lại mới thông báo cho người nhà. Vì ông phải xử lý thai lưu trước, còn để lâu tử cung co thì thai đó sẽ khó lấy ra. Chứ trước đó nhìn thấy đầu trẻ ông đã biết thai chết rồi (?!).

Trong một diễn biến khác, ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc BV Đức Thọ cho biết một thông tin động trời, BS trực chính và cũng là BS duy nhất có mặt khi đưa sản phụ tình vào phòng đẻ là người có chuyên khoa… Răng - Hàm - Mặt và chưa từng làm về sản nhi.

“Ở khoa sản BS Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa có trách nhiệm. Tôi là bác sĩ trực nhưng không có chuyên môn về thai sản và chưa từng làm về sản nhi”, ông Nguyễn Hữu Quyền nói.

PV hỏi tiếp: Ông là người trực chính vụ sản phụ Tình vậy hôm đó ông làm những việc gì? Ông Quyền trả lời: “Tôi chỉ giúp các hộ sinh. Các hộ sinh bảo tôi làm gì, lấy cái gì thì tôi sẽ làm cái đó”.

BV Đức Thọ nơi xảy ra vụ việc.

Lý giải về việc đưa BS Răng - Hàm - Mặt trực khoa sản, ông Phạm Hồng Cường nói: “Do thiếu người nên cả khoa sản chỉ có hai BS. Ngoài BS Đức thì còn một BS khác đang đi vắng. Vì thiếu người nên BS Quyền chuyên Răng - Hàm - Mặt phải phụ trách”.

Ngoài ông Quyền, ê kíp đỡ đẻ cho sản phụ Tình còn có hộ sinh Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh. Bà Hoàng Thị Định là người trực tiếp thăm khám cho sản phụ Tình, còn bà Hoàng Thị Trinh là người nghe tim thai.

Bà Trinh cho hay, quá trình vào chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Lần đầu vào 9h39 phút (ngày 30/6), lần thứ 2 vào 12h trưa và lần thứ 3 vào 15h cùng ngày. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118 - 130 lần/phút.

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.