| Hotline: 0983.970.780

Vụ thu hồi đất ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình: UBND thành phố nói gì?

Thứ Sáu 27/04/2018 , 10:05 (GMT+7)

Báo NNVN có đăng bài “Những câu hỏi đằng sau một vụ thu hồi đất tại Thái Bình?”, phản ánh những bức xúc của một số công dân phường Trần Lãm, TP Thái Bình về việc UBND TP Thái Bình đã thu hồi đất vượt diện tích đất đã được Chính phủ cho phép...

Ngày 24/4/2018, ông Đinh Gia Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, và ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng TN-MT TP, thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Thái Bình, ông Nguyễn Ngọc Ý, đã có buổi làm việc với chúng tôi.

Khu biệt thự và chia lô để bán của Tập đoàn Lâm Linh

Tại buổi làm việc, trước hai câu hỏi:

1/ Tại sao trong quy hoạch sử dụng đất, Chính phủ chỉ cho phép dùng 18 ha đất để xây dựng BVĐK 1.000 giường và một số công trình y tế khác, nhưng UBND TP lại thu hồi hơn 27 ha đất nông nghiệp (gấp 1,5 lần mức cho phép)?

Trong quy hoạch, không có các công trình như BV Phụ sản tư nhân An Đức, nhà tang lễ, trung tâm dưỡng lão..., nhưng tại sao những công trình đó lại được giao đất, và đã hoàn thành, trong khi BVĐK 1.000 giường thì vẫn còn là khu đất hoang.

Trong những công trình không có trong quy hoạch nhưng vẫn được giao đất nói trên, có những công trình là của một số lãnh đạo tỉnh Thái Bình, cụ thể là nhà dưỡng lão là dự án của bà Cao Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đặc biệt, trong quy hoạch được Chính phủ duyệt không bố trí đất ở, nhưng tại sao Tập đoàn Lâm Linh lại được giao một diện tích rất lớn để xây biệt thự và phân lô đất nền bán. Lâm Linh là đơn vị đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng một ngôi chùa “khổng lồ” ở làng An Ký, là làng của 1 lãnh đạo tỉnh. Phải chăng việc giao đất cho tập đoàn này, là sự trả công?

Ông Đinh Gia Dũng đã trả lời:

-Quy hoạch địa điểm của dự án xây dựng BVĐK 1.000 giường đã được lập và được phê duyệt từ ngày 15/9/2010, do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hạnh Phúc ký. Việc thu hồi đất được thực hiện từ năm 2011, và thực tế UBND TP đã thu hồi 38,5 ha chứ không phải 27 ha.

Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất để thực hiện các dự án (tức quy định chỉ được sử dụng 18 ha đất) thì năm 2013 mới được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, năm 2011, UBND TP Thái Bình đã căn cứ khoản 1, điều 27 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 để tiến hành việc thu hồi đất để thực hiện dự án trên.

 Điều khoản này quy định: Quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng đất hoặc kế hoạch sử dụng đất được duyệt, thì căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm cư dân nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Như vậy, việc thu hồi đất của UBND TP Thái Bình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

 Thứ hai, UBND TP Thái Bình chỉ được giao thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ để giải phóng mặt bằng. Còn giao đất cho đơn vị nào là thẩm quyền của UBND tỉnh, nên UBND TP không có căn cứ để trả lời quý báo.

2/ Tại dự án khu đô thị phía Nam, Chính phủ chỉ cho phép sử dụng 19,06 ha đất. Nhưng tại sao UBND TP Thái Bình lại thu hồi đến trên 49 ha đất (gấp hơn 2 lần diện tích được Chính phủ cho phép)? Đây là một dự án khu đô thị thương mại, lẽ ra nhà đầu tư phải thương lượng với dân về giá đền bù. Vậy áp dụng chính sách đền bù đất nông nghiệp với dân, có thỏa đáng không?

Về câu hỏi này, ông Đinh Gia Dũng đã trả lời:

-19,06 ha đất đó là đất ở. Khu A của khu đô thị phía Nam, diện tích đất ở chỉ có 108.296 m2, còn lại là của khu B. Thực tế trong một khu đô thị, ngoài đất ở, còn nhiều loại đất khác nhau, chẳng hạn đất thương mại dịch vụ 1.149 m2; đất công cộng (nhà văn hóa, nhà mẫu giáo; trường học; đất dự trữ...) 5.695 m2; công viên cây xanh 38.389 m2; giao thông và hạ tầng kỹ thuật 108.970 m2...

 Thứ hai, căn cứ vào điều 63 (căn cứ thu hồi đất vì mục đích ANQP, phát triển KT- XH vì mục đích quốc gia, công cộng) thì dự án khu đô thị phía Nam thuộc dự án phát triển KT- XH vì mục đích quốc gia, công cộng. Vì vậy, UBND TP đã áp dụng chính sách bồi thường đất nông nghiệp khi thu hồi đất nông nghiệp, chứ không yêu cầu nhà đầu tư thương lượng với dân về giá bồi thường.

Câu hỏi về việc tại sao trong quy hoạch không có các dự án như BV Phụ sản tư nhân An Đức, nhà tang lễ, trung tâm dưỡng lão..., nhưng các dự án đó vẫn được giao đất? Và trong quy hoạch khu dự án các công trình y tế không bố trí đất ở, nhưng tại sao Tập đoàn Lâm Linh lại được giao một diện tích đất rất lớn trong khu đó để xây biệt thự và phân lô bán, vẫn chưa được làm rõ? Chúng tôi tiếp tục chờ đợi câu trả lời từ lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.